Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, vượt mục tiêu

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% trong năm 2023 khi nước này phục hồi sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt 'Zero-Covid', Cục Thống kê Quốc gia nước này công bố ngày 17/1. Trong ba tháng cuối năm, sản lượng tăng với tốc độ hàng năm là 4,1%.

Xuất khẩu ô tô tăng 58% trong năm 2023 và Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Ảnh: Qilai Shen/NYTimes

Xuất khẩu ô tô tăng 58% trong năm 2023 và Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Ảnh: Qilai Shen/NYTimes

Tăng trưởng năm 2023 đạt 5,2%, vượt mục tiêu

Dữ liệu GDP chính thức được công bố ngày 17/1 cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích, nhưng vẫn đảm bảo Bắc Kinh đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đặt ra cho năm 2023, mặc dù khởi đầu năm mới còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng này đã vượt xa mức tăng trưởng chỉ 3% vào năm 2022, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các chính sách hạn chế để duy trì Zero Covid.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong quý cuối cùng của năm 2023, GDP của Trung Quốc tăng 1,0%. Các chỉ số hoạt động tháng 12 được công bố cùng với dữ liệu GDP cho thấy tăng trưởng sản lượng nhà máy tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022, nhưng doanh số bán lẻ lại tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 9. Tăng trưởng đầu tư vẫn ảm đạm.

Cùng với dữ liệu kinh tế, dân số Trung Quốc đã giảm 2 triệu người xuống còn 1,4 tỷ người, lần giảm đầu tiên sau 60 năm được ghi nhận vào năm 2022 với mức giảm 850.000 người, một xu hướng mà các nhà nhân khẩu học dự báo sẽ tiếp tục khi dân số Trung Quốc già đi nhanh chóng.

Yi Fuxian, một chuyên gia về nhân khẩu học Trung Quốc, cho biết: “Thế giới đang trải qua một sự thay đổi chưa từng có được đánh dấu bởi sự suy giảm nhanh chóng của dân số Trung Quốc”. Ông cũng cho rằng triển vọng kinh tế “ảm đạm” sẽ ảnh hưởng đến các biện pháp nhằm giải quyết “cuộc khủng hoảng nhân khẩu học”.

Sự sụt giảm kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, từng là động lực chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế trên diện rộng.

Dữ liệu của NBS cho thấy giá nhà mới tháng 12/2023 của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2015, đánh dấu tháng giảm thứ sáu liên tiếp. Doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn giảm 8,5% trong năm trong khi số công trình mới khởi công giảm 20,4%.

Trước đó ngày 15/1, ngân hàng trung ương đã giữ nguyên lãi suất chính sách trung hạn, bất chấp kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm do áp lực lên đồng Nhân dân tệ tiếp tục hạn chế phạm vi nới lỏng tiền tệ.

Cũng theo NBS, số liệu thất nghiệp cho thấy thị trường việc làm của nước này hơi xấu đi khi tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát trên toàn quốc tăng lên 5,1% trong tháng 12/2023, từ mức 5,0% của tháng 11.

Dữ liệu gần đây cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu vào năm 2024 với nền tảng không ổn định, áp lực giảm phát dai dẳng và xuất khẩu tăng nhẹ khó có thể tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh hoạt động của nhà máy đang mờ nhạt. Cùng với đó, hoạt động cho vay ngân hàng trong tháng 12 cũng yếu.

Chứng khoán Trung Quốc đã mất điểm ngay sau khi dữ liệu được công bố. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tại Hồng Kông đã giảm tới 3,1%, trong khi chỉ số Hang Seng Mainland Properties giảm 4,5%. Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 1%.

Nỗ lực xuất khẩu nhiều hơn để bù đắp cho nhu cầu yếu

Trước đó 1 ngày, ngày 16/1, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng công bố sớm một số dữ liệu kinh tế, bao gồm cả tăng trưởng GDP. Thủ tướng Trung Quốc cho rằng, tốc độ tăng trưởng của nước này năm 2023 là do các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc “tăng cường các động lực bên trong” thay vì tung ra các biện pháp kích thích lớn khi nền kinh tế Trung Quốc thực thi các biện pháp kiểm soát đại dịch.

Ông nói: “Những người bạn châu Âu của chúng tôi nói với tôi rằng để đánh giá đầy đủ vẻ đẹp hùng vĩ của dãy Alps, người ta phải phóng tầm mắt ra xa và nhìn từ xa. Theo tôi thấy, nó cũng giống như nền kinh tế Trung Quốc, người ta phải mở rộng tầm nhìn và có cái nhìn toàn cảnh để thực sự nắm bắt được nó hiện đang ở đâu và nó sẽ đi về đâu”.

Một khu chợ thực phẩm ngoài trời ở Thâm Quyến. Trên khắp Trung Quốc năm ngoái, thực khách đều lựa chọn những món ăn rẻ hơn. Ảnh: NYTimes

Một khu chợ thực phẩm ngoài trời ở Thâm Quyến. Trên khắp Trung Quốc năm ngoái, thực khách đều lựa chọn những món ăn rẻ hơn. Ảnh: NYTimes

Theo nhận định của các nhà kinh tế, con số tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc có thể cao hơn tới 2 điểm phần trăm nếu so sánh với mức tăng trưởng thấp trong thời kỳ đại dịch năm 2022. Họ cho rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa trong năm nay để ổn định thị trường bất động sản và thúc đẩy tiêu dùng nhằm giảm bớt áp lực giảm phát.

Nhiều nhà đầu tư đã hy vọng Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích kinh tế, nhưng ông Lý Cường nhấn mạnh hôm 16/1 rằng, nước này đã đạt được tăng trưởng vào năm ngoái mà không cần làm như vậy.

Kang Yi - Ủy viên Cục Thống kê Quốc gia, cho biết trong một cuộc họp báo: “Nền kinh tế quốc gia chứng kiến đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng cao được duy trì và các mục tiêu chính theo dự kiến đều đạt được kết quả tốt”.

Thành tích năm 2023 thể hiện sự phục hồi đáng kể so với năm 2022, khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 3%. Tuy nhiên, nỗi lo lắng lớn nhất về nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2024 cũng giống như nỗi lo trong hai năm qua: Điều gì sẽ xảy ra khi thị trường nhà ở nước này sụp đổ? Những ngôi nhà hiện tại đã được bán với giá thấp hơn khoảng 1/5 so với thời điểm cao điểm vào mùa hè năm 2021, nếu có thể tìm được người mua. Hiện tốc độ giao dịch đã chậm lại đáng kể.

Tác động rõ rệt nhất của những bất ổn trên thị trường bất động sản được thể hiện rõ trong cuộc cạnh tranh của các nhà phát triển để huy động tiền và bắt đầu các dự án mới. Các nhà đầu tư lo lắng khi các chủ đầu tư hoàn thành công việc xây dựng các căn hộ đã hứa trước đó trong những tháng tới, khối lượng xây dựng có thể giảm mạnh.

Tao Wang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cho biết, hoạt động xây dựng sụt giảm kéo dài vẫn chưa kết thúc, mặc dù hoạt động khó có thể giảm mạnh. Bà nói thêm: “Có nguy cơ giá nhà đất sẽ giảm nhiều hơn và niềm tin của các hộ gia đình sẽ bị tổn thương nhiều hơn”.

Hệ thống ngân hàng do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc đã nhanh chóng thay đổi các ưu tiên của mình trong năm qua. Rất ít khoản vay được cấp cho các nhà phát triển bất động sản và người mua nhà. Thay vào đó, các khoản cho vay dành cho các công ty công nghiệp để xây dựng nhà máy lại tăng vọt.

Dữ liệu được công bố ngày 17/1 đã cho thấy, đầu tư cho sản xuất đã tăng 6,5% trong năm 2023, trong khi phát triển bất động sản giảm 9,6%. Phần lớn sản lượng tăng thêm của nhà máy đang được bán ra nước ngoài. Thặng dư thương mại của Trung Quốc về hàng hóa sản xuất tương đương khoảng 10% sản lượng kinh tế của đất nước. Xuất khẩu giảm trong năm ngoái tính theo đồng Đô la, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể từ tháng 11/2023 và có khả năng bùng nổ trong thời gian tới.

Trên khắp Trung Quốc, các nhà máy ô tô đang được xây dựng mạnh mẽ. Xuất khẩu ô tô tăng 58% trong năm ngoái và Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.

Câu hỏi bây giờ là làm thế nào để thuyết phục các hộ gia đình Trung Quốc ngừng gửi phần lớn thu nhập của họ vào tài khoản ngân hàng và bắt đầu chi tiêu trở lại. “Việc giải quyết tình trạng tiết kiệm quá mức thường xuyên có thể là thách thức kinh tế vĩ mô rõ ràng của Trung Quốc trong thập kỷ tới” - Lawrence H. Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết./.

Hoàng Lê (theo The Financial Times/NYTimes)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-trung-quoc-tang-truong-52-trong-nam-2023-vuot-muc-tieu-143712.html