Kinh tế trưởng FAO: Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp

Theo ông Máximo Torero - Kinh tế trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), cần đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để đạt được mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Tiềm năng và thách thức

Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (Hội nghị P4G), ông Máximo Torero cho biết, Việt Nam những năm gần đây đã tiến bộ rất nhiều trong việc thúc đẩy an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững giữa bối cảnh biến đổi khí hậu. “Điều này rất quan trọng. Vì các biến cố khí hậu sẽ gia tăng về tần suất và cường độ. Mỗi quốc gia cần phải sẵn sàng cho điều đó. Tôi đã đến Việt Nam cách đây khoảng 20 năm, và sự chuyển đổi mà tôi đang chứng kiến là rất đáng kể”.

Ông Torero nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống nông - lương thực đối với sức khỏe con người. Nhưng đồng thời, hệ thống này cũng mang lại những tác động bên ngoài, bao gồm cả khí thải nhà kính hoặc ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. “Đó là những thách thức, là tác động bên ngoài của quá trình sản xuất nông - lương thực. Những gì chúng ta cần làm là sản xuất theo cách bền vững để giảm thiểu những tác động bên ngoài đó”.

Ông Máximo Torero - Kinh tế trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). (Ảnh: Liên Hợp Quốc)

Ông Máximo Torero - Kinh tế trưởng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). (Ảnh: Liên Hợp Quốc)

Ông Torero định nghĩa, mô hình kinh tế xanh bền vững là mô hình về cơ bản đảm bảo những gì chúng ta sản xuất ngày hôm nay theo cách hiệu quả hơn sẽ giúp chúng ta có đủ nước cho ngày mai, chất lượng đất tốt hơn, ít khí thải hơn và duy trì đa dạng sinh học. Đó là tính bền vững về môi trường. Ngoài ra còn có tính bền vững về kinh tế, như nông dân được trả công cao hơn.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và FAO, ông Torero đặt ra ưu tiên là “đổi mới sáng tạo để đạt được mục tiêu phát triển bền vững”. Theo ông, FAO có một khuôn khổ chiến lược kéo dài đến năm 2030, trong đó có bốn trụ cột là sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. Ngoài ra còn có các chất xúc tác, là khoa học, đổi mới sáng tạo, dữ liệu và các thể chế.

“Chúng tôi đang hợp tác tại Việt Nam thông qua Quỹ Khí hậu Xanh và các sáng kiến khác để đẩy nhanh quá trình tích hợp khoa học vào sản xuất, để chúng ta có thể sản xuất nhiều hơn theo cách bền vững”, ông Torero nói.

Thúc đẩy trí tuệ nhân tạo

Ông Torero mô tả trí tuệ nhân tạo là một con ngựa đang chạy rất nhanh. “Và chúng ta cần nhảy lên lưng con ngựa đó, sống chung với nó, vì con ngựa sẽ chạy liên tục. Chúng ta có thể cố gắng kiểm soát nó một chút bằng một số quy định, nhưng cũng cần cố gắng tận dụng những mặt tích cực của nó”.

Trong hệ thống nông nghiệp thực phẩm, trí tuệ nhân tạo có thể rất hữu ích. Ông Torero nêu ví dụ, một người nông dân có thể chụp ảnh bệnh của cây, sau đó sử dụng AI để tìm kiếm giải pháp.

"Các trang trại lớn có thể dễ dàng ứng dụng khoa học công nghệ, vì họ có quy mô. Họ có thể chi trả cho những cỗ máy lớn, cho vệ tinh thời tiết… Nhưng những người nông dân nhỏ lẻ thường sẽ không làm được điều đó, và đây là nhóm đối tượng cần được chú ý đến", ông Torero nói.

“Việt Nam cần phải cưỡi lên con ngựa AI. Cần phải sử dụng trí tuệ nhân tạo. Cần phải tìm ra những điều tích cực của AI. Nhưng cũng cần phải đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo và bất kỳ công nghệ kỹ thuật số nào đều sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân”, ông Torero nói.

Ông cho biết, việc Việt Nam sáp nhập hai bộ - Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - “là một ý tưởng tuyệt vời, vì sẽ tạo nên cách tiếp cận mang tính hệ thống”.

“Việt Nam cần phải cạnh tranh, cần phải tiên phong, để có thể giảm thiểu mọi vấn đề, và tối ưu hóa cách tiếp cận với thế giới”, ông Torero kết luận.

Minh Hạnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kinh-te-truong-fao-viet-nam-can-day-manh-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-nong-nghiep-post1734410.tpo