Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nhờ khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi và sự chăm chỉ, chịu khó đã giúp đời sống, vật chất của người dân bản Hô Ta, xã Tà Mung (huyện Than Uyên) ngày càng nâng cao.

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến bản Hô Ta khi người dân đang tập trung thu hoạch chanh leo. Nhìn từ xa vườn chanh leo tươi tốt, với chùm quả sai trĩu trịt trông bắt mắt. Mỗi quả chanh leo to tròn, căng tràn sự sống và đang cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Được biết, tận dụng diện tích đất canh tác nhiều, khí hậu thuận lợi, người dân trồng cây ăn quả đặc biệt là cây chanh leo. UBND xã phối hợp với Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Beefoods ở huyện Tam Đường triển khai trồng chanh leo tại bản Hô Ta. Các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, chăm sóc theo đúng quy trình. Nhờ đó, cây chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt và đang cho thu hoạch. Chủ trương đưa cây chanh leo vào trồng là hướng đi mới vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.

Bà con bản Hô Ta (xã Tà Mung, huyện Than Uyên) chăm sóc chanh leo. Ảnh tư liệu

Bà con bản Hô Ta (xã Tà Mung, huyện Than Uyên) chăm sóc chanh leo. Ảnh tư liệu

Ông Tráng A Kỷ, bản Hô Ta tâm sự: “Khi xã đưa cây chanh leo vào trồng tôi băn khoăn về hiệu quả mang lại. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền và sau một năm chăm sóc đến nay 4.640m2 chanh leo của gia đình tôi thích nghi với vùng đất này, quả to, tròn, sai, mọng. Cây chanh leo giúp bà con có thêm thu nhập ổn định”.

Nhằm khai thác tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, năm 2017, thực hiện chủ trương của xã về đưa cây chè vào trồng được Nhân dân bản Hô Ta tích cực hưởng ứng. Các hộ tham gia trồng chè được hỗ trợ 100% giống, phân bón, tiền chuyển đổi đất; bà con còn trồng cây đậu tương, cây lạc xen canh chè nhằm cải tạo đất, tăng thêm thu nhập. Nhờ chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đến nay cây chè sinh trưởng, phát triển tốt và đang cho thu hoạch.

Năm 2017, ông Mùa A Thanh, bản Hô Ta đã chuyển đổi 7.000m2 đất đồi trồng ngô sang trồng chè. Đến nay, mỗi tháng gia đình ông thu về hơn 10 triệu đồng. Ông Thanh chia sẻ: “Diện tích đất trước đây chỉ trồng ngô, hiệu quả thấp, từ khi có chủ trương đưa cây chè lên vùng cao đã giúp gia đình tôi cũng như bà con có thu nhập ổn định. Chè sau khi thu hái được doanh nghiệp tiêu thụ, nhờ vậy tôi mua sắm được các đồ dùng phục vụ cuộc sống”.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao ý thức người dân trong sản xuất, bản Hô Ta tuyên truyền bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tích cực giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Vận động Nhân dân khai hoang đất sản xuất, đưa giống mới vào canh tác trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Bà con đưa các giống lúa mới vào gieo trồng thay thế các giống cũ; đưa cơ giới vào làm đất đảm bảo khung thời vụ. Cùng với đó, chăm sóc, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo nước tưới cho cây lúa. Đến nay, 54,8ha lúa với giống J02, thiên ưu 8, 838 cho năng suất bình quân đạt từ 48-57 tạ/ha; toàn bản có 79ha ngô, 12ha lạc, 8ha rau đậu các loại.

Bám sát vào chủ trương của huyện, xã, bản Hô Ta đã vận động bà con trồng 40,04ha chè giống PH8, Shan, diện tích trồng năm 2017 đã bắt đầu cho thu hái. Năm 2019, bản tiếp tục được hưởng lợi triển khai dự án trồng chanh leo của Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Beefoods ở huyện Tam Đường với diện tích 33,7ha. Nhờ đưa cây chè, chanh leo vào trồng đã giúp nhiều hộ trong bản có thu nhập ổn định, bền vững.

Ông Hảng A Páo - Trưởng bản Hô Ta cho biết: “Bản có 128 hộ, 742 nhân khẩu, 100% dân tộc Mông. Tôi luôn đồng hành cùng bà con trong bản trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế như: nuôi gà đen, lợn sinh sản, trồng rau màu. Hướng dẫn bà con thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; khuyến khích Nhân dân phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại với tổng đàn gia súc, gia cầm của bản trên 2.500 con”.

Ngoài phát triển kinh tế, bản thường xuyên phổ biến đến bà con về các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhất là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuyên truyền Nhân dân nâng cao cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tích cực đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chống phá cách mạng. Vận động người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Năm 2020, có 90 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Những hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp của Trung ương, địa phương đã tạo động lực giúp bà con bản Hô Ta vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hô Ta đang từng ngày khởi sắc; góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng cao Tà Mung.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/h%C3%B4-ta-chuy%E1%BB%83n-%C4%91%E1%BB%95i-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-c%C3%A2y-tr%E1%BB%93ng-v%E1%BA%ADt-nu%C3%B4i