Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã xác định nhiệm vụ đột phá là: 'Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút doanh nghiệp, chú trọng phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã địa phương...'. Cụ thể hóa nhiệm vụ Đại hội đề ra và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Lai Châu đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để thu hút đầu tư.

Theo số liệu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 15/4/2021, Chỉ số PCI của Lai Châu năm 2020 đạt 61,98 điểm (tăng 2,03 điểm và 6 bậc so với năm 2019), xếp thứ 57/63 tỉnh, thành cả nước, đây là kết quả xếp hạng cao nhất từ năm 2014 đến nay. Thực hiện nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra và tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 1717 ngày 16/6 về “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021”.

Kế hoạch đã đặt ra mục tiêu năm 2021 chỉ số PCI của tỉnh đạt 64,07 điểm, xếp hạng từ 48-55/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành “trung bình” trên cả nước. Đồng thời, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung vào cải thiện điểm số các chỉ số thành phần có trọng số cao, có xu hướng giảm điểm; duy trì cải thiện chỉ số có xu hướng tăng điểm như: chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian...

Phát triển thủy điện vừa và nhỏ đang là tiềm năng lớn của tỉnh Lai Châu.

Phát triển thủy điện vừa và nhỏ đang là tiềm năng lớn của tỉnh Lai Châu.

Là đơn vị đầu mối theo dõi, chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động triển khai thực hiện những giải pháp cụ thể. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2021 nhằm nâng cao trách nhiệm của sở gắn với chỉ số PCI của tỉnh. Đồng thời, thực hiện rà soát cơ chế chính sách, quy chế hoạt động, quy định nội bộ, quy trình giải quyết các thủ tục, hồ sơ, nhất là thủ tục hồ sơ liên quan đến các dự án đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời phát hiện những quy định còn vướng mắc, bất cập để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.

Tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021. Trong đó, nội dung Quy hoạch tỉnh phải bảo đảm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy hoạch các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp: công khai, minh bạch những chủ trương, cơ chế, chính sách, quy hoạch đã được phê duyệt, thủ tục hành chính, thông tin dữ liệu về các dự án liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Kết nối doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước để tiếp cận thông tin kịp thời, nâng cao các chỉ số: gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai...

Chỉ số tiếp cận đất đai là điều kiện được các doanh nghiệp và nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Ông Mai Văn Thạch - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, ngành Tài nguyên và Môi trường chủ động xây dựng, đưa ra một số giải pháp như: tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, các chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tăng cường công khai thủ tục hành chính về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, tạo điều kiện các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các thông tin về đất để chủ động nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính về đất đai theo hướng nhanh gọn, đơn giản, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục tối thiểu 20% cho một hồ sơ và giảm bớt các quy định không cần thiết. Tăng cường xử lý công việc trên không gian mạng, chủ động hướng dẫn trực tuyến đối với các nhà đầu tư trong quá trình giải quyết các thủ tục về đất. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian xác định nguồn gốc đất. Thực hiện phân công, phân cấp mạnh hơn trong công tác thu hồi, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hàng năm tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tiếp các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe ý kiến đối thoại, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực đất đai...

Cùng với các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố cũng đang tích cưc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI. Là huyện vùng cao, biên giới có tiềm năng về phát triển thủy điện và cây dược liệu, huyện Mường Tè chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, thực thi các chính sách pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp và các chủ đầu tư.

Ông Đao Văn Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Trong những năm qua, huyện Mường Tè ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng Đề án “Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát tham mưu cho UBND huyện đối với đề xuất của các doanh nghiệp có dự án dự kiến đầu tư trên địa bàn huyện trong thời gian tới như: Dự án bảo tồn, phát triển cây sâm Lai Châu kết hợp trồng cây dược liệu khác và phát triển lâm nghiệp tại các xã có tiềm năng như: Pa Vệ Sủ, Tá Bạ, Ka Lăng, Thu Lũm. Thẩm định chủ trương đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã có đủ điều kiện pháp lý. Hằng năm Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tổ chức họp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh.

Nỗ lực nâng cao chỉ số PCI đã tạo nên những chuyển biến tích cực cho môi trường đầu tư của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020 đã thu hút 154 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký đầu tư trên 35.919 tỷ đồng, tăng 104 dự án 19.136 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, có một số dự án trọng điểm như: Dự án khu đô thị thiên đường mắc-ca; Dự án Du lịch thác trắng đèo Hoàng Liên, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; Dự án trồng và phát triển cây mắc-ca tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Mường Tè; các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Cấp đăng ký thành lập mới cho 764 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 1.511 doanh nghiệp...

Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh cấp tỉnh đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đây là tiền đề vững chắc để tỉnh ta thu hút các nguồn lực đầu tư và hoàn thành một trong những mục tiêu chính được xác định tại Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh là “Huy động các nguồn lực xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững”.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/lai-ch%C3%A2u-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-thu-h%C3%BAt-%C4%91%E1%BA%A7u-t%C6%B02021