Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Hiện nay, một số diện tích cây trồng trên địa bàn thành phố Lai Châu xuất hiện sâu bệnh gây hại. Trước tình hình đó, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn nông dân tập trung phòng trừ sâu bệnh kịp thời, góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu, hiện nay thành phố có 503,8ha lúa mùa, đến thời điểm này lúa mùa trà sớm trong giai đoạn ôm đòng - trỗ bông, trà chính vụ giai đoạn làm đòng - ôm đòng, trà muộn giai đoạn cuối đẻ nhánh. Thời tiết gần đây liên tục có mưa xen kẽ những ngày nắng nóng là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh gây hại.

Trong đó, bệnh đạo ôn lá gây hại trên các giống lúa: tẻ râu, nghi hương 305, diện tích nhiễm bệnh 16,3ha tập trung ở xã San Thàng, phường Đông Phong, rải rác tại xã Sùng Phài và phường Quyết Thắng, tỷ lệ gây hại trung bình 1,6-7,8% lá, cao 10,5-17% lá, cục bộ có nơi lên đến 22,9% lá. Còn bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại khoảng 23ha trên giống lúa lai, tỷ lệ bệnh trung bình 5,0-11,0% lá, cao 13,1 - 45,6 % lá. Riêng bệnh bạc lá bị nhiễm 8,5ha gây hại trên tất cả các giống, tỷ lệ bệnh trung bình 3,2-7,1% lá, cao 8,8- 5,6% lá, cục bộ có 25,3% lá, nhiễm. Ngoài ra, có 4,5ha bị sâu cuốn lá nhỏ, mật độ trung bình 1,6-5,2 con/m2, cao 12-15 con/m2.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu kiểm tra sâu bệnh gây hại trên lúa mùa.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu kiểm tra sâu bệnh gây hại trên lúa mùa.

Chị Nguyễn Kim Ưng - bản Tả Xin Chải (phường Đông Phong) cho biết: "Vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy hơn 4.000m2 lúa tẻ râu. Thời gian qua, tôi thường xuyên thăm đồng phát hiện lúa bị bệnh đạo ôn đã phun thuốc, song đến thời điểm này do thời tiết diễn biến thất thường khi kiểm tra lại phát hiện lúa bị bệnh bạc lá, chờ thời tiết nắng lên gia đình tôi tiếp tục phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh". Cũng giống như gia đình chị Ưng, gia đình anh Giàng A Chỉnh (bản Sin Páo Chải, xã Sùng Phài) có hơn 3.000m2 lúa tẻ râu bị bệnh đạo ôn gây hại, gia đình đã phun thuốc 1 lần, đang chờ thời tiết không mưa phun thuốc nhắc lại lần 2 để diệt trừ sâu bệnh.

Bên cạnh sâu bệnh gây hại trên cây lúa, một số sâu bệnh gây hại trên cây chè, chủ yếu là rầy xanh, bọ xít muỗi, nhện đỏ, mặt độ từ 2,5 - 15 con/m2. Là một trong những hộ có nguồn thu nhập chính từ cây chè với 1,3ha nên khi phát hiện cây chè bị rầy xanh hoành hành, gia đình chị Chang Thị Nguyễn (bản Phan Lìn, xã San Thàng) tập trung phòng trừ. Theo chị Nguyễn, rầy xanh sẽ làm lá và búp chè bị khô làm giảm năng suất, chất lượng, nếu không phun thuốc kịp thời thì bệnh lan rất nhanh. Do đó, hiện nay cứ khoảng từ 10-15 ngày chị phun thuốc phòng trừ 1 lần. Tuy nhiên, thời tiết mưa - nắng thất thường nên phun thuốc chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trước diễn biến rất phức tạp của sâu bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố có công văn gửi các xã, phường hướng dẫn Nhân dân phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ, khống chế, không để lây lan sâu bệnh trên diện rộng.

Đối với diện tích lúa trà sớm và trà chính vụ đang trong giai đoạn ôm đòng - trỗ bông, vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trong ruộng, nương và quanh bờ để hạn chế nơi trú ngụ của sâu, bệnh; thăm đồng thường xuyên phát hiện sớm bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Những diện tích lúa mùa đang nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá: tiếp tục phòng trừ trên những diện tích lúa đang bị bệnh bằng các loại thuốc Basu 250WP, Atanil 250WP, physan 20SL, Avalon 8WP, Totan 200WP, Rorai 21WP... phun kép 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày.

Đối với sâu cuốn lá tập trung phun dứt điểm khi sâu đang ở tuổi 2, tuổi 3 bằng các loại thuốc Regent 800WP, Padan 95SP, Karate 2,5EC... Riêng với cây chè, chăm sóc bón phân cân đối, thu hái búp non đúng lứa, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng bằng các hoạt chất Emametin benzoate, Abamectin 36g/l, Etofenprox, Diafenthiuron 500g/lít, Buprofezin 10%... Nên phun theo đúng nồng độ, liều lượng trên bao bì, thời gian phun vào sáng sớm, chiều mát và thay đổi thuốc sau mỗi lần phun để hạn chế tính kháng thuốc của sâu bệnh. Đến thời điểm này, bà con phun thuốc phòng trừ sâu hại được gần 30ha lúa, trên cây chè cơ bản đã phun phòng trừ xong.

Theo đồng chí Hà Quốc Chỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu, từ nay đến trung tuần tháng 8 là thời điểm lúa trà sớm và trà chính vụ trỗ bông tập trung, thời tiết tiếp tục sẽ có mưa, trời âm u, độ ẩm cao xen kẽ những ngày nắng nóng thuận lợi cho một số sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại. Trong đó, sẽ xuất hiện một số bệnh như: đạo ôn cổ bông, khô vằn, đen lép hạt…, đối với cây chè và các loại cây trồng khác sẽ có nhện đỏ, nấm đốm đen, bọ xít muỗi… gây hại thì phải báo ngay cho cán bộ chuyên môn để phòng trừ kịp thời nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng. Ngoài ra, khi cây trồng bị nhiễm bệnh không nên sử dụng các loại phân bón qua lá, đạm đơn bón nuôi đòng, nuôi hạt, nuôi quả trong thời gian xử lý bệnh.

Với những giải pháp tích cực trong công tác phòng trừ, đến nay những diện tích cây trồng bị nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được khống chế kịp thời. Qua đó, góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ph%C3%B2ng-tr%E1%BB%AB-s%C3%A2u-b%E1%BB%87nh-k%E1%BB%8Bp-th%E1%BB%9Di-tr%C3%AAn-c%C3%A2y-tr%E1%BB%93ng