Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Là huyện biên giới với 22 xã, thị trấn, địa bàn rộng; điều kiện tự nhiên, giao thông không thuận lợi, nên Sìn Hồ được thụ hưởng chương trình 135/CP và 30a/CP của Chính phủ. Để người dân ổn định cuộc sống, huyện chủ động triển khai nhiều giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Giúp người dân an cư lạc nghiệp

Công tác tái định cư, hậu tái định cư và di chuyển các hộ dân ở khu vực khó khăn, có nguy cơ sạt lở cao, do thiên tai đến nơi ở mới những năm qua được huyện Sìn Hồ quan tâm đặc biệt. Trong năm 2020, nhiều hạng mục xây dựng cơ bản được huyện đầu tư và xây dựng đồng bộ. Nhờ chủ động trong quản lý, sử dụng nên hầu hết cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, phát triển kinh tế đều mang lại hiệu quả cao, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhờ được quan tâm đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi đã giúp 9 xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Các xã: Noong Hẻo, Lùng Thàng, Nậm Tăm, Ma Quai… tỷ lệ giảm nghèo trên 6%/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Bên cạnh đó, di chuyển đến nơi ở mới, tạo cơ hội thuận lợi để giao lưu với các địa phương khác, nâng cao nhận thức, từ đó cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Từ năm 2017 đến nay, huyện Sìn Hồ đã di chuyển gần 1.000 hộ dân từ vùng có nguy cơ sạt lở, điều kiện tự nhiên khó khăn đến nơi ở mới. Trong số hơn 100 hộ nằm trong diện di chuyển được phê duyệt năm 2020, huyện đã chuyển được 76 hộ, hơn 30 hộ đang hoàn thiện nhà ở.

Người dân xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) chăm sóc đồi sơn tra - đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trong huyện.

Người dân xã Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) chăm sóc đồi sơn tra - đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trong huyện.

Thực hiện tái định cư gần đây nhất của huyện Sìn Hồ là di dời các hộ dân ở bản Sáng Tùng sau sạt lở đất, 28 hộ dân của bản đều phải chuyển đến nơi ở mới. Đến nay, đời sống của bà con trong bản từng bước ổn định, người dân tập trung phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, dê, lợn; trồng lúa, chè, đời sống các hộ gia đình dần được cải thiện. Nhờ an cư nên tỷ lệ hộ nghèo ở bản Sáng Tùng giảm nhiều; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm. So với khi còn ở bản cũ, người dân đã có cuộc sống đủ đầy hơn, từ đường bêtông, điện lưới quốc gia, nhà văn hóa, trường mầm non được đầu tư đồng bộ để người dân thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Anh Hạng A Tỉ, người dân bản Sáng Tùng (xã Tả Ngảo) chia sẻ: “Từ khi được chuyển tới bản mới, gia đình tôi yên tâm hơn trong cuộc sống, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Giờ gia đình tôi và nhiều hộ khác đã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi gia súc, trồng các loại cây ngắn ngày. Năm vừa qua, tôi thu được hơn 50 triệu đồng từ trồng thảo quả và nuôi dê. Điều kiện sống ở bản mới tốt hơn ở bản cũ. Nhiều gia đình trong bản đã tự vươn lên thoát nghèo”.

Xóa đói, giảm nghèo bền vững

Sìn Hồ là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh Lai Châu. Trước năm 2017, huyện có 11 xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Trình độ canh tác lạc hậu, một số xã có thời điểm phải trông vào cứu trợ của chính quyền khi giáp hạt, người dân thường xuyên bị thiên tai tàn phá, đói khổ bủa vây quanh năm.

Khắc phục những khó khăn, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã xây dựng thực hiện kế hoạch, phù hợp, phát huy tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế.

Để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời làm đòn bẩy để người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội thoát nghèo. Từ đó, cấp ủy, chính quyền huyện đặt ra chỉ tiêu để phấn đấu hoàn thành như: hết năm 2021 thu nhập bình quân tại các địa phương khó khăn phải đạt trên 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6%/năm.

Ông Lò Văn Sương, ở bản Nậm Mạ Thái (xã Ma Quai) cho biết: “Gia đình tôi là hộ nghèo được hỗ trợ vốn sản xuất từ các chương trình giảm nghèo bền vững. Thời gian đầu, cán bộ huyện xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng giống mới và cách chăm sóc... Với 4.000m2 ruộng, gia đình tôi thu được hơn 70 bao thóc. Vườn nhà và đất trống tôi trồng thêm ngô, lạc, hiện gia đình tôi không còn đói khi giáp hạt”.

Từ chương trình 135/CP, thời gian qua đã hỗ trợ các xã nghèo phát triển chăn nuôi, sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng. Giao thông được nâng cấp mở rộng đã đưa người dân các xã vùng thấp hầu như thoát khỏi cảnh bị cô lập vào mùa mưa lũ. Cùng với đó, hệ thống kênh mương, thủy lợi được đầu tư tạo điều kiện cho người dân phát triển nông nghiệp. Nhiều giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với địa phương như: cây xoài, cam, chè, sắn… góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Ông Nguyễn Khắc Tiệp - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết: Để nâng cao năng suất cây trồng, cứ vào đầu vụ, cán bộ kỹ thuật của phòng lại về các xã, bản tập huấn, giới thiệu các giống cây trồng mới phù hợp với thổ nhưỡng các địa phương. Đồng thời phổ biến cách gieo trồng, chăm sóc cho Nhân dân.

Cùng với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp Sìn Hồ thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,48%. Đây cũng là thành quả nỗ lực giảm nghèo của các cấp chính quyền và người dân huyện Sìn Hồ.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-%C4%91%E1%BB%83-gi%E1%BA%A3m-ngh%C3%A8o