Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Ngay sau khi nắm tình hình một số xã trên địa bàn huyện Tân Uyên có gia súc nghi mắc bệnh tụ huyết trùng (THT) cấp tính, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống bệnh. Nhờ đó, đến nay dịch, bệnh đã được khống chế kịp thời.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Tân Uyên, từ ngày 15/8 đến ngày 17/9/2021, đàn gia súc ở một số xã trên địa bàn huyện xuất hiện các biểu hiện nghi là bệnh THT cấp tính. Cụ thể đã có 20 con trâu ở các xã: Nậm Sỏ, Pắc Ta, Trung Đồng nghi nhiễm bệnh chết. Anh Lò Văn Mơn – Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện cho biết: “Các biểu hiện bệnh THT xuất hiện trên đàn trâu bò ở địa bàn, chúng tôi mới chỉ nghi mắc chứ chưa có căn cứ cụ thể. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc chuyển mẫu bệnh phẩm về Trung ương gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi chỉ dựa vào các biểu hiện của bệnh để điều trị cho gia súc trên tinh thần khẩn trương. Kết quả là việc điều trị đã có những kết quả khả quan”.
Để tìm hiểu rõ hơn diễn biến tình hình của bệnh THT trên địa bàn, những ngày đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi đến xã Trung Đồng. Theo như đồng chí lãnh đạo UBND xã và cán bộ Trung tâm DVNN huyện cho biết, vào ngày 1/10, con trâu mẹ 5 tuổi của gia đình ông Hạng A Kang (bản Hua Cưởm) có biểu hiện sốt, khó thở, sưng hạch hầu họng và chết. Nhận thấy đây là các biểu hiện của bệnh THT, cán bộ chuyên môn của huyện, xã đã xuống bản vận động chủ nuôi tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định. Được sự tuyên truyền, phân tích tác hại cũng như khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, ông Kang đã phối hợp đào hố chôn trâu theo đúng độ sâu, cách thức được hướng dẫn. Như vậy, tính đến nay, xã Trung Đồng có 6 con trâu đã chết do có biểu hiện nghi mắc bệnh THT.
Theo số liệu báo cáo đến ngày 8/9/2021, đàn gia súc trên địa bàn huyện Tân Uyên có 40.181 con (đạt 96,7% kế hoạch năm, tăng 2.448 con so với cùng kỳ năm 2020). Để đảm bảo an toàn phòng bệnh cũng như nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, hàng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc thành 2 đợt/năm. Trong đó, đã hoàn thành xong việc tiêm vắc xin phòng bệnh THT trên đàn trâu, bò đợt 1 được 15.480/16.290 liều (đạt 95%). 5% gia súc còn lại chưa được tiêm do bà con hầu hết nuôi trâu, bò tại lán nương, xa nơi ở.
Ví dụ như bà con thuộc các bản tái định cư của xã Trung Đồng vẫn trở lại nơi ở cũ (xã Tà Mít) để canh tác và chăn thả gia súc. Vì vậy, cán bộ thú y không thể vào tận bãi chăn thả để tiêm phòng mà giao lại nguồn vắc xin và hướng dẫn chủ hộ kỹ thuật, cách thức tiêm phòng, do đó phần nào không đảm bảo đúng theo quy định. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các loại bệnh trên đàn gia súc, trong đó có bệnh THT.
Mặt khác, nguyên nhân còn được xác định nữa là do các địa bàn giáp ranh với một số xã của huyện Sìn Hồ nên gia súc có thể lây bệnh lẫn nhau hoặc khi phát hiện gia súc chết, người dân mổ, chia nhau thịt và vô tình lây lan mầm bệnh. Điều này được anh Lò Văn Hặc – Chủ tịch UBND xã Nậm Sỏ khẳng định: Một số bản trên địa bàn xã giáp ranh với xã Nậm Cuổi của huyện Sìn Hồ. Trong khoảng đầu tháng 8, trên địa bàn xã có 27 con trâu mắc bệnh với các biểu hiện nghi là bệnh THT. Ngay sau khi phát hiện, xã đã thông báo tới tất cả các trưởng bản để thông báo tới người dân theo dõi tình hình sức khỏe đàn trâu, bò, nếu thấy biểu hiện bất thường phải báo cáo xã kịp thời. Xã cũng báo cáo về Trung tâm DVNN huyện cử cán bộ trực tiếp xuống nắm tình hình; hướng dẫn, tuyên truyền bà con các biện pháp phòng và điều trị bệnh.
Đến nay, toàn xã đã có 14 con trâu chết, tập trung tại các bản Hua Sỏ, Nà Ngò. Tuy nhiên, đây không phải là nơi tập trung số trâu, bò nhiều nhất của xã mà đàn trâu tập trung nhiều nhất tại bản Ui Dạo, có gia đình đàn trâu lên tới 30 con. Điều đó dễ hiểu vì sao xã Nậm Sỏ có trên 3.000 con trâu, bò, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của xã 9 tháng đầu năm đã đạt 5/6% theo kế hoạch giao của huyện. Từ giữa tháng 9 đến nay, xã không ghi nhận trường hợp gia súc chết mới, do đó có thể thấy tình hình bệnh THT đã và đang được khống chế.
Thời điểm này, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa rất thuận lợi cho các bệnh dịch trên đàn gia súc bùng phát. Để phòng, chống dịch bệnh cũng như đói, rét cho đàn gia súc, không để dịch bệnh bùng phát ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra cho các hộ chăn nuôi, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành công điện yêu cầu các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp khống chế dịch. Các cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi tuân thủ chặt chẽ việc tiêu hủy gia súc chết, không nên mổ lấy thịt để làm thực phẩm vì việc này rất dễ lây lan mầm bệnh. Đồng thời tiến hành phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi và theo dõi sát sao tình hình sức khỏe vật nuôi.
Như vậy, sau hơn 2 tuần vừa qua, số lượng gia súc mắc mới có dấu hiệu giảm mạnh có thể khẳng định Tân Uyên đã khống chế được bệnh THT kịp thời. Điều này giúp bà con nông dân yên tâm hơn trong bảo vệ và phát triển “đầu cơ nghiệp” của gia đình.