Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Tận dụng tiềm năng, lợi thế mặt nước vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu, những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng đã được người dân huyện Nậm Nhùn đầu tư, phát triển bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế... Số lượng lồng cá ngày càng tăng nhưng do tác động của dịch bệnh Covid-19, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cá lồng đang là bài toán khó cần tìm lời giải của người chăn nuôi và chính quyền địa phương.

Từ 4 lồng cá thả năm 2017, đến nay, gia đình anh Lò Văn Cung ở bản Mường Mô 1 (xã Mường Mô) có 7 lồng thả nuôi các loại cá: lăng, trắm, rô-phi, chép…). Những năm trước, khi đến thời điểm cá đủ điều kiện để xuất bán là thương lái đến tận nơi thu mua. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh đã tác động không nhỏ tới việc tiêu thụ sản phẩm cá lồng, nhiều thương lái dừng thu mua. Hiện cá đã đạt được kích thước và trọng lượng để xuất bán, nhưng không có người mua khiến cho gia đình anh Cung gặp không ít khó khăn trong việc tiếp tục chăm sóc và đầu tư nuôi mới.

Việc tìm đầu ra của các hộ chăn nuôi nhỏ như gia đình anh Cung đã khó, còn đối với các hợp tác xã nuôi cá thì khó khăn lại nhiều hơn bởi nuôi với quy mô, số lượng lớn. Hợp tác xã Long Vũ hiện có 26 lồng, ngoài nuôi các loại cá như: trắm, chép, nheo, lăng nha, rô-phi, còn có các loại cá đặc sản giá trị kinh tế cao như cá chiên, lăng chấm… với tổng sản lượng bình quân khoảng 20 tấn/năm.

Ông Lê Văn Vũ - Giám đốc Hợp tác xã Long Vũ cho biết: "Sản phẩm cá của Hợp tác xã trước đây ngoài cung cấp cho thị trường trên địa bàn tỉnh còn cung cấp chủ yếu cho các tỉnh: Lào Cai, Hà Nội, Điện Biên... nên cơ bản cá đều xuất bán được hết. Năm nay, việc tiêu thụ rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các nhà hàng hạn chế hoạt động, thương lái không vào thu mua. Hợp tác xã phải chủ động tìm đầu ra qua các nhà hàng trong tỉnh hoặc bán trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, việc tiêu thụ chủ yếu với các loại cá như: trắm, chép, rô-phi có giá dao động từ 50 - 80 nghìn đồng/kg, còn với các loại cá đặc sản như: lăng chấm, chiên có giá từ 300 - 600 nghìn đồng/kg hầu như không xuất bán được, nhu cầu rất thất thường, không ổn định. Hơn nữa, việc bán cá nhỏ lẻ ảnh hưởng tới chất lượng của cá, do mỗi lần kéo lưới, khách hàng chỉ lựa chọn những con ưng ý, số còn lại tiếp tục thả xuống lồng ảnh hưởng tới sức khỏe của cá".

Người dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) kiểm tra sự sinh trưởng của cá tại lồng nuôi.

Người dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) kiểm tra sự sinh trưởng của cá tại lồng nuôi.

Trên địa bàn huyện Nậm Nhùn hiện có 324 lồng cá với sản lượng 182,9 tấn, tập trung ở thị trấn Nậm Nhùn và xã Mường Mô. Ngoài nuôi tại các lồng, bà con còn khai thác, đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện với sản lượng hơn 70 tấn/năm. Để tháo gỡ khó khăn của người chăn nuôi, nhất là trong vấn đề tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, huyện Nậm Nhùn cũng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân trong việc tìm đầu ra trước mắt cho sản lượng cá hiện có cũng như tìm giải pháp lâu dài trong việc tiêu thụ sản phẩm cá lồng.

Đồng chí Hà Văn Sơn – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: "Qua rà soát thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện nay sản lượng cá lồng tồn đọng do gặp khó khăn về đầu ra vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn rất lớn. Để tháo gỡ khó khăn, giải quyết bước đầu cho người chăn nuôi, huyện đã chủ trì họp với các hộ chăn nuôi, các hợp tác xã để thống nhất phương án xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, huyện luôn mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đứng ra liên kết, tiêu thụ cho người chăn nuôi và đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá lồng là phương án về lâu dài cho vấn đề đầu ra cho sản phẩm cá lồng trên địa bàn huyện hiện nay".

Nghề nuôi cá lồng những năm qua là hướng đi góp phần giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Nậm Nhùn. Hy vọng rằng, với những cố gắng của người chăn nuôi, sự đồng hành của chính quyền các cấp trong việc tìm thị trường đầu ra, nghề nuôi cá lồng ở huyện Nậm Nhùn sẽ sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/kh%C3%B3-kh%C4%83n-trong-t%C3%ACm-%C4%91%E1%BA%A7u-ra-cho-s%E1%BA%A3n-ph%E1%BA%A9m-c%C3%A1-l%E1%BB%93ng