Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Sau 5 năm thực hiện chương trình 'Phát triển cây ăn quả ôn đới tại huyện Sìn Hồ' đã góp phần khai thác thế mạnh của địa phương, từng bước giúp người dân thoát nghèo.

Huyện Sìn Hồ có độ cao trung bình trên 1.500m so với mực nước biển, diện tích tự nhiên rộng, tuy nhiên chủ yếu là đồi núi dốc, thiếu đất phù hợp để canh tác nông nghiệp, thực hiện các mô hình nông nghiệp theo hướng tập trung hàng hóa. Để giúp người dân xóa đói giảm nghèo từ chính đồng đất quê hương, huyện tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng.

Từ năm 2016, huyện tập trung nguồn lực triển khai các dự án cây trồng mới, dựa trên thế mạnh vùng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Các giống cây trồng mới được triển khai trồng ở khắp các địa phương trong huyện. Cụ thể như: lê Tai Nung được trồng tại xã Sà Dề Phìn xen với cây đương quy. Tại 2 xã: Tả Ngảo, Làng Mô, cây sơn tra, khoai tây KT6, Marabel được tập trung trồng nhiều, năng suất bình quân đạt 6 – 7 tạ/1 sào bắc bộ, với giá bán 10.000 đồng/1kg như hiện nay, trừ chi phí sản xuất 1 sào bà con thu trên 4 triệu đồng.

Còn ở các xã: Hồng Thu, Phìn Hồ, Nậm Tăm, UBND huyện quy hoạch phát triển thành công mô hình sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa cây chè, cam V3. Đến thời điểm này, người dân đã có thu nhập ổn định từ các loại cây trồng mới. Bên cạnh đó, những loại cây trồng truyền thống như: lúa, ngô và cây dược liệu… tiếp tục được người dân duy trì, dựa trên áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới đảm bảo năng suất, chất lượng.

UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chủ động nghiên cứu điều kiện tự nhiên các vùng, cán bộ kỹ thuật tới cơ sở, vận động người dân mạnh dạn đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới phù hợp để khai thác thế mạnh của địa phương.

Vườn cam của anh Lý A Pu tại xã Nậm Tăm - một trong những loại cây trồng mới tại địa phương cho giá trị kinh tế cao.

Vườn cam của anh Lý A Pu tại xã Nậm Tăm - một trong những loại cây trồng mới tại địa phương cho giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, huyện Sìn Hồ có diện tích cây ăn quả trên 1.220ha, chủ yếu trồng lê, mận hậu, đào Pháp, cam V3. Các cây trồng được chăm sóc tốt nên phát triển ổn định, một số đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại thu nhập cho người dân. Bà Trần Thị Thu Hiền – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết: Trên cơ sở các chương trình 30a/CP, 135/CP..., huyện Sìn Hồ chú trọng hỗ trợ sản xuất cho người dân, trong đó tập trung vào các hộ nghèo tại xã khó khăn, phát triển các loại cây ăn quả: lê, mận, xoài, cam... Đồng thời, tập trung hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón. Các loại cây trồng mới hiệu quả kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Nhiều hộ đã tận dụng được nguồn lực, tái đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất.

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay Sìn Hồ tiếp tục triển khai các dự án liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các loại hoa quả (lê, xoài Đài Loan, cam V3…). Trực tiếp xử lý, chế biến chuyên sâu các loại dược liệu nhằm tăng giá trị xuất bán, bảo quản và vận chuyển. Huyện liên tục có chính sách thu hút kêu gọi đầu tư từ các đơn vị trong và ngoài tỉnh, xây dựng cơ chế thông thoáng để các đơn vị có điều kiện phát triển. Cùng với đó, kết nối quảng bá hình ảnh địa phương, gắn liền với các sản phẩm đặc trưng, đưa đặc sản của địa phương tới cộng đồng.

Anh Lý A Pu, chủ vườn cam chuyên canh tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ nói: Gia đình tôi trồng hơn 1ha cam V3, giống này được cải tiến từ giống cam V2 nên cho chất lượng cao. Nhờ cán bộ chuyên môn của huyện hỗ trợ về kỹ thuật, chọn giống và được trồng theo hướng tập trung, tới thời điểm hiện tại vườn cam nhà tôi phát triển tốt, bình quân 1 cây cam 4 năm tuổi cho thu khoảng 70 – 80kg quả chất lượng cao. Theo thời gian, cây già hơn và được chăm sóc đúng quy trình có thế đạt sản lượng tối đa 130kg quả/1 cây. Trước mùa cam, thương lái đến tận vườn đặt mua. Bình quân mỗi vụ trừ chi phí sản xuất gia đình tôi thu trên 100 triệu đồng từ bán cam. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng mô hình này, đồng thời đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động và quảng bá tạo thương hiệu cho sản phẩm.

Tìm đúng hướng đi cho ngành Nông nghiệp, xác định được cây trồng chủ lực phù hợp Sìn Hồ đã từng bước khai thác được tiềm năng thế mạnh. Việc phát triển thành công nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, mở ra cho Sìn Hồ nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-c%C3%A2y-%C4%83n-qu%E1%BA%A3-%C3%B4n-%C4%91%E1%BB%9Bi-t%E1%BA%A1i-huy%E1%BB%87n-s%C3%ACn-h%E1%BB%93