Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Với nhiều lợi thế khi có diện tích rộng, khí hậu thuận lợi, chăn nuôi đang là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở xã Tà Tổng (huyện Mường Tè). Phương thức chăn nuôi thay đổi; đồng cỏ, trang trại được quy hoạch, hình thành. Qua đó, nâng cao số lượng đàn vật nuôi, góp phần tăng thu nhập cho Nhân dân.

Nếu ai từng lên xã Tà Tổng, dạo quanh qua các bản từ Ngà Chồ, Cao Chải đến Pà Khà, Giàng Ly Cha... mới thấy được thiên nhiên ưu ái rất lớn cho vùng đất nơi đây. Là xã vùng cao, khó khăn của huyện Mường Tè với 12 bản, 3 điểm dân cư nhưng diện tích lại lên tới 51.201,26ha cùng nhiều đồng cỏ rộng mênh mông như thảo nguyên thuận lợi cho Tà Tổng phát triển chăn nuôi. Đó là lợi thế rất lớn để người dân thay đổi cuộc sống.

Để người dân khai thác hiệu quả giá trị thiên nhiên mang lại, cán bộ xã không ngại gian nan, vất vả đến từng bản, gặp gỡ người dân để tuyên truyền về lợi ích của chăn nuôi. Phân tích những thuận lợi do thiên nhiên ban tặng để bà con tận dụng thay đổi phương pháp chăn nuôi, tích cực làm chuồng trại, quy hoạch bãi chăn thả, quan tâm khẩu phần dinh dưỡng. Chính quyền xã tìm hiểu các con giống có chất lượng, ít bị dịch bệnh rồi phối hợp với các doanh nghiệp, phòng, ban của huyện đưa lên xã để nhân giống, tăng đàn. Ngoài ra, xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc ở các bản, vận động bà con tham gia các lớp dạy nghề để có kiến thức, kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi.

 Người dân xã Tà Tổng phát triển chăn nuôi.

Người dân xã Tà Tổng phát triển chăn nuôi.

Nhận thức nâng lên, đồng bào người Mông bỏ hẳn chăn nuôi theo thói quen, tận dụng đồng cỏ để quy hoạch các bãi chăn thả, xây dựng chuồng trại nuôi nhốt. Giờ đàn vật nuôi không còn phải “lang thang” tìm nơi ăn chỗ ở mà được đưa về một địa điểm để nhân giống tăng đàn. Cứ mỗi tuần 2 đến 3 lần, bà con lên các bãi chăn thả đưa vật nuôi về, con nào biểu hiệu có giống thì được chăm sóc đặc biệt, lúc sinh có đầy đủ thức ăn, nước uống, đảm bảo con mẹ lẫn con non khỏe mạnh. Còn chuồng trại nuôi nhốt được sử dụng bằng những vật liệu như: gỗ, tre nứa, bạt, vải, nền rải rơm rạ, hộ nào khá giả thì đầu tư mua gạch, xi-măng về xây, có rãnh thoát chất thải. Có chuồng trại góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế gia súc tàn phá mùa màng.

Anh Thào A Xá (bản Tà Tổng) cho biết: Đồng bào Mông chúng tôi ở trên này quen với tập tục thả rông để cho vật nuôi tự tìm thức ăn, nơi ở, chỗ sinh đẻ, có khi đến cả tháng mới lên xem vật nuôi tăng hay giảm đi về số lượng. Được cán bộ xã tuyên truyền, chúng tôi thay đổi nhận thức, quan tâm thường xuyên đến sự phát triển, độ sinh trưởng của đàn, làm chuồng nuôi nhốt, cải thiện khẩu phần ăn, chủ động phòng chống dịch bệnh. Đàn vật nuôi lớn mạnh, không chỉ tăng sức kéo, giảm sức lao động cho người dân mà còn là hàng hóa mang lại nguồn lợi cao cho mỗi gia đình.

Mỗi khi đến mùa gặt, rơm rạ không còn đốt như trước mà được tích lũy làm thức ăn trong chăn nuôi, lót phủ nền chuồng. Thời điểm mùa đông giá rét, đàn gia súc đưa về nhốt, chuồng trại được gia cố, phủ bạt, tôn, chắn mưa gió, cho uống nước ấm, bổ sung muối tăng cường sức đề kháng. Đêm đến, người dân đốt lửa sưởi ấm, đóng thêm móng sắt vào chân để đàn gia súc tránh bị cước khi lạnh buốt. Còn nguồn thức ăn không chỉ từ tự nhiên mà còn kết hợp thêm các sản phẩm ngoài thị trường. Ngoài ra, dân bản còn phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng khoa học kỹ thuật.

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được chú trọng, mỗi năm 2 đợt, đàn vật nuôi được tiêm vắc-xin, chuồng trại được phun thuốc khử trùng, vệ sinh sạch sẽ, phân chuồng được tận dụng trong trồng trọt. Đối với trường hợp vật nuôi bị nhiễm bệnh thì việc tiêu hủy, chôn lấp được tiến hành ngay, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Hiện nay, toàn xã có 6.091 con gia súc và gần 14.000 con gia cầm, tỷ lệ tăng đàn từ 5-7%/năm.

Anh Sùng A Chứ – Chủ tịch UBND xã cho biết: Chăn nuôi giờ là thế mạnh của xã và để phát triển ngành nghề này, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, xã quan tâm đến chất lượng nguồn thức ăn. Tích cực xây dựng chuồng trại, quy hoạch bãi chăn thả; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.

Chăn nuôi đã góp phần tăng thu nhập bình quân của xã đến thời điểm hiện tại đạt 14 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 36,17%. Tin rằng, chăn nuôi sẽ ngày càng phát triển để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ch%C4%83n-nu%C3%B4i-th%C3%BAc-%C4%91%E1%BA%A9y-x%C3%B3a-%C4%91%C3%B3i-gi%E1%BA%A3m-ngh%C3%A8o