Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Huyện Mường Tè có diện tích tự nhiên và diện tích rừng lớn nhất tỉnh. Nhiều năm qua, Nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè đã có nguồn thu nhập ổn định từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ được hưởng lợi từ rừng, người dân đã tích cực thực hiện các giải pháp giữ cho rừng thêm xanh.

Với tổng diện tích tự nhiên khoảng 267.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, phần lớn là diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Tính đến năm 2020, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng trung bình mỗi hộ dân huyện Mường Tè đã có nguồn thu khoảng 25 triệu đồng. Cấp ủy, chính quyền huyện Mường Tè đã xác định rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc, phát triển rừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Số tiền Nhân dân trên địa bàn huyện được nhận từ chăm sóc bảo vệ rừng là nhờ những quy định của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn thu nhập ổn định, bền vững đối với Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Mức thu đã được Nhà nước điều chỉnh tăng lên theo từng năm trên 1kwh điện thương phẩm.

Việc chăm sóc, phát triển rừng là nền tảng vững chắc để nâng cao tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Nhiệm vụ “Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển rừng bền vững gắn với phát triển kinh tế rừng” đã được Đại hội Đảng bộ huyện Mường Tè lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra để cụ thể hóa mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng lên trên 65,5% vào năm 2025. Trong đó, tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi tái sinh trên 20.000ha rừng, trồng mới trên 1.580ha quế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng diện tích cây mắc-ca, phấn đấu trồng mới khoảng 1.900ha, nâng tổng diện tích mắc-ca đạt trên 2.300ha. Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng; quan tâm đầu tư, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững...

Người dân xã Bum Tở, huyện Mường Tè tập trung phát triển diện tích rừng quế.

Người dân xã Bum Tở, huyện Mường Tè tập trung phát triển diện tích rừng quế.

Đến xã Bum Tở - địa phương đang đi đầu trong công tác phát triển rừng của huyện Mường Tè, hình ảnh những nương lúa ngày nào đang được phủ xanh bởi những cánh rừng quế đã minh chứng cho những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong chăm sóc và phát triển rừng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Văn Khải – Bí thư Đảng ủy xã Bum Tở cho biết: Bà con trong xã đã trồng được trên 230ha rừng kinh tế (trong đó trên 220ha cây quế và 10ha cây mắc-ca). Qua thực tế triển khai chúng tôi thấy hai loại cây này rất hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên cây đang sinh trưởng và phát triển tốt. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai, thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển nông nghiệp hàng hóa của UBND huyện Mường Tè. Theo đó, xã đã quy hoạch và vận động Nhân dân tham gia trồng hoặc phối hợp với các tổ chức doanh nghiệp triển khai trồng mới trên 600 cây quế, khoảng 500ha cây mắc-ca; thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ diện rừng được giao quản lý. Tôi tin rằng, từ việc triển khai phát triển rừng kinh tế và chăm sóc bảo vệ rừng sẽ giúp người dân xã Bum Tở giảm nghèo nhanh, bền vững.

Là xã biên giới có diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng cao nhất huyện Mường Tè, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Mù Cả thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc bảo vệ rừng và sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng. Trao đổi với đồng chí Pờ Khừ Xá – Chủ tịch UBND xã Mù Cả, chúng tôi được biết, xã Mù Cả có trên 29.000ha rừng, đa số là rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 80%. Chỉ tính riêng năm 2020 bà con đã được hưởng trên 22 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (trung bình mỗi hộ dân được nhận trên 38 triệu đồng). Nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng đã được cấp ủy, chính quyền xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

UBND xã đã phối hợp với Trạm Kiểm lâm và các lực lượng chức năng trên địa bàn kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã. Xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng; thành lập đội cơ động bảo vệ rừng với quân số trên 30 người, có sự tham gia của các lực lượng: kiểm lâm, biên phòng, dân quân, công an cùng các đoàn thể. Chỉ đạo 9/9 bản thành lập các đội xung kích bảo vệ rừng. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nhân dân bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng theo hướng “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời” với phương châm “4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Vào mùa khô hanh, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình trạng rừng; nghiêm cấm mọi hoạt động xâm hại đến rừng, chỉ đạo Nhân dân chủ động thu dọn thực bì, phát đường băng cản lửa…

Những cánh rừng trên mảnh đất biên cương Mường Tè đang ngày một thêm xanh. Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế gắn với rừng của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Tè đã tạo động lực cho Nhân dân trên địa bàn quyết tâm bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/cho-r%E1%BB%ABng-m%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%C3%A8-th%C3%AAm-xanh