Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Từ khi tham gia mô hình nhóm cổ phần tài chính tự quản, chị em xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) không chỉ biết tiết kiệm chi tiêu, mà còn có vốn giúp đỡ nhau đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ đó giải quyết được công ăn, việc làm, vươn lên giảm nghèo bền vững.

Trong thời tiết se se lạnh của những ngày đầu đông, chúng tôi tìm về bản Bút Trên (xã Trung Đồng) tìm hiểu về mô hình phát triển kinh tế của chị em trong bản. Vừa đến đầu nhà văn hóa bản đã nghe tiếng cười giòn tan của các mẹ, các chị trong nhóm cổ phần tài chính tự quản do Tổ chức CARE quốc tế xây dựng và phát triển thuộc dự án “Nâng quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số” tại Việt Nam. Thấy chúng tôi đến, chị Lù Thị Muôn - Trưởng nhóm cổ phần tài chính tự quản, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Bút Trên đon đả giới thiệu: Tham gia mô hình này, chị em trong bản được trao đổi chuyện gia đình, con cái và còn được chia sẻ với nhau cách phát triển kinh tế, chăm sóc mùa vụ nên ai cũng háo hức, phấn khởi”.

Chị em nhóm cổ phần tài chính tự quản Bút Trên 1 (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) tham gia góp vốn.

Chị em nhóm cổ phần tài chính tự quản Bút Trên 1 (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) tham gia góp vốn.

Được biết, mô hình nhóm cổ phần tài chính tự quản của bản Bút Trên được thành lập từ năm 2019, sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Tổ chức CARE tập huấn cho các hội viên phụ nữ xã Trung Đồng thì chị em ở bản Bút Trên đã tự vận động, tuyên truyền nhau tham gia. Đến nay, mô hình thu hút được 35 chị em tham gia và được chia thành 2 nhóm cổ phần tài chính tự quản Bút Trên 1 và Bút Trên 2. Hình thức hoạt động chính của 2 nhóm là đóng cổ phần góp vốn. Mỗi cổ phần được 2 nhóm quy định có mức giá là 50 và 100 nghìn đồng, mỗi thành viên mua không quá 5 cổ phần/lần/tháng. Việc mua cổ phần được thực hiện vào ngày 15 hàng tháng khi nhóm tổ chức sinh hoạt. Toàn bộ số cổ phần được các thành viên mua đều được ghi chép cẩn thận và cho chính những thành viên tham gia vay để phát triển kinh tế gia đình. Lãi suất do nhóm quy định là 2%. Thời gian vay vốn được tối đa 12 tháng, quy định là thế song đa số chị em chỉ vay vài tháng để giải quyết công việc, khi có tiền là trả lại nhóm ngay. Từ đầu năm đến nay, 35 thành viên của nhóm cổ phần tài chính tự quản Bút Trên 1 và Bút Trên 2 đã có số vốn trên 111 triệu đồng. Nhờ có quỹ này nhiều chị em có cơ hội đầu tư cây, con giống phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Điển hình như chị Lò Thị Thoa (thành viên tham gia nhóm cổ phần tài chính tự quản Bút Trên 1) phát triển kinh tế từ chăn nuôi 20 con lợn đen, khoảng 100 con gà thịt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gia đình chị Thoa chưa bán được lợn. Để có vốn nuôi lợn gối vụ, tháng 7/2021 chị đã mượn 5 triệu đồng của nhóm để mua lợn bột, cám về phát triển chăn nuôi.

Chị Thoa tâm sự: “Trước đây, cần tiền mua thức ăn chăn nuôi hay thuốc thú y tôi vay mượn khắp nơi cũng không có, nhưng khi tham gia vào nhóm cổ phần tài chính tự quản, tôi không còn lo lắng nữa, vì khi cần có thể vay bất cứ lúc nào. Nhờ tham gia mô hình này tôi chủ động hơn trong đầu tư phát triển kinh tế. Không chỉ riêng tôi mà nhiều hội viên trong chi hội cũng có cuộc sống tốt hơn, yên tâm hơn khi thực hiện mô hình này”.

Cũng tham gia mô hình nhóm cổ phần tài chính tự quản, Chi hội Phụ nữ bản Phiêng Phát 3 đã thu hút được 32 chị em tham gia. Số vốn nhóm hiện có là 130 triệu đồng, hình thức hoạt động của nhóm là đóng cổ phần góp vốn và sinh hoạt 2 lần vào ngày 13 và 28 hàng tháng. Nguồn vốn của mô hình tuy không lớn nhưng đang là giải pháp hữu hiệu, đáp ứng một phần nhu cầu về vốn vay phát triển kinh tế cho chị em. Đặc biệt, các buổi họp định kỳ của nhóm còn là kênh hữu hiệu để chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới cộng đồng.

Chị Hoàng Thị Mừng (thành viên nhóm cổ phần tài chính tự quản bản Phiêng Phát 3) chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình tôi đã biết tiết kiệm tiền để đóng cổ phần vào nhóm hàng tháng, khi cần vốn thì lại vay. Nhờ được vay vốn của nhóm, tôi đầu tư chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình và có tiền nuôi con ăn học. Bên cạnh đó, tôi còn được nắm bắt nhiều thông tin hữu ích như: nuôi con khỏe dạy con ngoan; cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng theo từng mùa, vụ và còn được tham gia các phong trào thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ, góp phần giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.

Hiện nay, xã Trung Đồng có 14/14 chi hội phụ nữ trên địa bàn xã đều thực hiện mô hình này với 16 nhóm và 372 thành viên, tổng số vốn hơn 700 triệu đồng. Để nhóm hoạt động hiệu quả, các thành viên mỗi nhóm đã bầu 5 người để quản lý tài chính của nhóm gồm: trưởng nhóm, phó nhóm, thư ký và 2 kiểm sát viên. Mỗi thành viên có nhiệm vụ thu, giữ quỹ, ghi chép hoạt động sử dụng vốn vay, giám sát, theo dõi hoạt động và sử dụng quỹ của các thành viên. Đặc biệt, nếu thành viên nào không tham gia nữa hoặc cần tiền để đầu tư vào việc khác thì được rút toàn bộ cổ phần hoặc cũng có thể để đó cuối năm lấy lãi.

Thành công từ mô hình nhóm cổ phần tài chính tự quản đã và đang tạo cơ hội cho chị em trong xã Trung Đồng được giao lưu, học hỏi, mạnh dạn tự tin trong giao tiếp. Đặc biệt được tiết kiệm một khoản trong chi tiêu hàng ngày cũng như biết cách sử dụng đồng tiền đúng mục đích để tạo dựng nguồn tài chính và phát triển kinh tế, góp phần từng bước xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/l%E1%BB%A3i-%C3%ADch-tham-gia-nh%C3%B3m-c%E1%BB%95-ph%E1%BA%A7n-t%C3%A0i-ch%C3%ADnh-t%E1%BB%B1-qu%E1%BA%A3n