Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Với lợi thế đất đai mầu mỡ, nguồn nước dồi dào, huyện Tam Đường tích cực khai thác tiềm năng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhờ đó, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân.

Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi có dịp về thăm các xã: Giang Ma, Hồ Thầu, Bình Lư và thị trấn Tam Đường để “mục sở thị” người dân sản xuất nông nghiệp với nhiều chuyển biến tích cực. Bà con mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngô, lúa, dong giềng theo hướng hàng hóa thay cho sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây. Các xã, thị trấn vận động bà con thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Sản lượng lương thực toàn huyện đạt 41.100 tấn/năm.

Nông dân xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) thu hoạch lúa mùa. Ảnh tư liệu

Đồng chí Hoàng Đình Quân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường cho biết: “Thời gian gần đây, phòng định hướng cho nông dân mở rộng diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, như: chè, mắc-ca, sơn tra, cây ăn quả và một số cây dược liệu. Bà con được tỉnh hỗ trợ cây giống mới, năng suất, chất lượng cao, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển”.

Đáng kể nhất là vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô trên 600ha tại các xã: Bình Lư, Thèn Sin, Bản Bo và thị trấn Tam Đường. Phòng NN&PTNT huyện chỉ đạo các xã, thị trấn gieo cấy tập trung một cánh đồng từ 1-2 giống lúa tẻ râu, séng cù hoặc DS1. Các xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lúa tập trung của tỉnh, trong đó 172ha lúa đông xuân và 418ha lúa mùa. Huyện còn hỗ trợ phát triển vùng sản xuất chè chất lượng cao, tập trung ở các xã: Bản Bo, Nà Tăm, Bản Giang, Bản Hon. Toàn huyện có 1.947ha chè; trong đó 1.200ha chè kinh doanh với sản lượng 10.200 tấn chè búp tươi. Chè trở thành cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân trong huyện.

Đơn cử, tại xã Bản Bo, bà con phát triển vùng sản xuất, kinh doanh chè lớn nhất so với các địa phương khác trên địa bàn huyện. Toàn xã có 683,4ha chè với sản lượng chè búp tươi đạt 4.756 tấn/năm. Cây chè phủ kín đất trống, đồi trọc, tạo thành một màu xanh non mơn mởn. Vùng chè của xã trải dài, hòa quyện và bao bọc những ngôi nhà khang trang của người dân, tạo cảnh thôn quê tuyệt đẹp và trù phú. Những khóm chè to, thân khỏe, vươn lên khắp các sườn đồi nhằm giữ đất, không cho mưa to xói, lở. Nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng từ cây chè, góp phần vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo người dân xã Bản Bo thì những năm gần đây, bà con được Nhà nước hỗ trợ giống chè chất lượng cao kim tuyên phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Người dân chuyển đổi nương ngô kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập gia đình. Hàng năm, xã mở các lớp dạy nghề về kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản chè búp cho bà con. Đây là giải pháp để bà con từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập từ cây chè.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lò Văn Cheo - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho biết: “Nhờ người dân khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nguồn nước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng gắn với thế mạnh của từng vùng trồng ngô, lúa, chè và nuôi cá nước ngọt; kinh tế địa phương có bước phát triển khá. Toàn xã có 179ha chè với sản lượng 1097,8 tấn chè búp tươi/năm; 1.041ha cây lương thực, sản lượng đạt 1.706 tấn…”.

Tam Đường là huyện “cửa ngõ” của tỉnh, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội. Huyện có tuyến đường quốc lộ 32, 4D, 12 chạy qua, thuận lợi cho việc giao thương sản phẩm nông nghiệp với các thị trường lớn trong khu vực. Huyện có khí hậu, thời tiết ôn hòa, phù hợp cho bà con trồng cây mắc-ca, lê, cam, đào, mận, hình thành vùng trồng cây ăn quả ôn đới tập trung tại các xã: Giang Ma, Thèn Sin, Hồ Thầu, Bản Giang. Đến nay, huyện có sản lượng đào đạt 1.217 tấn/năm; sản lượng lê đạt 743 tấn/năm; sản lượng mận đạt 227 tấn/năm; sản lượng chuối 570 tấn và sản lượng chanh leo trên 44,7 tấn.

Khai thác lợi thế trên, huyện đã và đang huy động nguồn lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đúng hướng. Tuy nhiên, người dân chưa khai thác hết lợi thế của từng vùng trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách về nông nghiệp của Trung ương và địa phương. Phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung của huyện, như: lúa hàng hóa, chè, mắc-ca, dong riềng và cây ăn quả ôn đới. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp địa phương. Thu hút doanh nghiệp có uy tín, năng lực đầu tư vào các vùng sản xuất hàng hóa, gắn với bao tiêu sản phẩm.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/khai-th%C3%A1c-ti%E1%BB%81m-n%C4%83ng-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-h%C3%A0ng-h%C3%B3a