Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Mấy năm nay, Nhân dân xã Bản Lang (huyện Phong Thổ) mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hàng hóa thị trường. Qua đó, thúc đẩy nông nghiệp sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Những ngày này, khi vừa xong mùa vụ, nhóm Thanh niên (TN) nuôi ong của bản Thèn Thầu tổ chức họp bàn sôi nổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong cho nhau từ việc chăm sóc đàn đúng kỹ thuật cho đến thực hiện nhân đàn, vệ sinh thùng ong.
Anh Lý Kim Lùng – Trưởng nhóm TN nuôi ong chia sẻ: Nhóm chúng tôi có 20 TN tham gia, thực hiện mô hình nuôi ong gần 2 tháng nay dưới sự tài trợ của Plan (tổ chức phi Chính phủ về bảo trợ trẻ em). Mỗi TN được nhận 2 thùng nuôi ong (mỗi thùng có 3 cầu ong) và 2kg đường. Ngoài ra, nhóm được hỗ trợ thêm về kỹ thuật chăm sóc đàn ong từ tổ chức Plan và cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Đến nay, mô hình ong phát triển rất tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 2 hoặc tháng 3.
Ngoài mô hình nuôi ong, khoảng 3 năm nay, trên địa bàn xã Bản Lang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể, thu hút đông đảo TN, Nhân dân tham gia. Điển hình như: nhóm TN phát triển sinh kế ở bản Nà Giang; các mô hình cấy lúa chất lượng cao tẻ râu (bản Sàng Giang, Nà Giang), nếp tan (bản Lang 2, bản Hợp 1, Nà Cúng) có sự tham gia của hơn 200 hộ dân với tổng diện tích hơn 150ha.
Anh Lù Vần Trung ở bản Sàng Giang cho biết: Được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, vận động, năm nay gia đình tôi tham gia mô hình cấy lúa chất lượng cao tẻ râu. Diện tích là 6 sào. Vừa rồi, gia đình thu hơn 50 bao thóc tẻ râu khoảng gần 3 tấn. So với năm trước, năng suất lúa năm nay cao hơn mấy tạ, một phần do thời tiết thuận lợi, phần vì gia đình đã làm đúng quy trình các bước từ cấy lúa, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Hiên nay, tôi đang chờ đơn vị bao tiêu sản phẩm là Công ty Giống vật tư nông nghiệp Tây bắc vào thu mua theo như hợp đồng ký kết.
Xã Bản Lang có 13 bản, 1.661 hộ dân với trên 8.200 nhân khẩu. Từ trước đến nay, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, trình độ nhận thức của Nhân dân còn hạn chế, chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo hình thức canh tác lạc hậu; tự nhân giống. Do vậy, năng suất, sản lượng các cây trồng không cao; dẫn đến thu nhập của bà con thấp kéo theo tỷ lệ hộ nghèo tăng cao.
Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã Bản Lang tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân các bản tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa thị trường; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham gia các mô hình kinh tế mới, hiệu quả để nâng cao thu nhập.
Đồng chí Phàn A Tỏn – Chủ tịch UBND xã Bản Lang cho hay: Qua tuyên truyền, vận động, Nhân dân trên địa bàn đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang hàng hóa thị trường; sáng tạo, mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi theo phương pháp mới. Để các mô hình mang lại hiệu quả cao, xã tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; chủ động tiêm phòng vắc-xin, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có nhu cầu được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, buôn bán.
Trong năm 2021 xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp 10.595 cây xoài và phân bón cho 273 hộ gia đình tham gia mô hình trồng cây phân tán. Phối hợp với các phòng, ban của huyện hỗ trợ đất trồng lúa cho các hộ tham gia mô hình cấy lúa tẻ râu, nếp tan; tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con các bản. Thông qua ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể, tạo điều kiện cho hàng trăm hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh từ các ngân hàng với tổng dư nợ trên 64 tỷ đồng.
Năm 2021, xã Bản Lang có tổng diện tích gieo cấy lúa 747ha, tăng 5ha so với cùng kỳ năm trước; trồng 120ha ngô xuân hè và thu đông; sản lượng lương thực đạt trên 3.600 tấn; trồng hơn 100ha rau màu, đậu, lạc. Hiện nay, xã tiếp tục đôn đốc Nhân dân các bản chăm sóc, bào vệ và khai thác 100ha thảo quả, 47ha sa nhân tím, hơn 952ha cây ăn quả (trong đó có 855ha cây chuối cho sản phẩm); phát triển đàn vật nuôi gần 12 nghìn con; duy trì các mô hình nuôi ong, nuôi trâu, trồng cây phân tán.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất nông nghiệp của Nhân dân đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên trên 29 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 50% (theo tiêu chí mới).