Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Phát huy phẩm chất truyền thống 'Bộ đội cụ Hồ', thời gian qua hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Phong Thổ hăng hái thi đua lao động sản xuất, vượt khó vươn lên làm giàu; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Giữa năm 2021, huyện Phong Thổ tái bùng phát dịch bệnh tả lợn Châu Phi ở xã Mường So, lây lan sang một số xã xung quanh, khiến cho nhiều hộ dân không dám tái đàn lợn. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm và ý chí quyết tâm làm giàu, CCB Đèo Văn Ự (xã Khổng Lào) tiếp tục nuôi lợn với quy mô trên 20 con. Được biết, gia đình ông vừa xuất chuồng 19 con với trọng lượng gần 2 tấn, thu về hơn 12 triệu đồng.
Ông Ự phấn khởi: Thế là gia đình tôi có khoản để chi tiêu trong dịp tết. Mọi năm tôi xuất 2 lứa/năm, mỗi lứa trên 20 con. Để cho đàn lợn khỏe mạnh, tôi chú trọng dọn dẹp vệ sinh hàng ngày, tiêm phòng vắc-xin định kỳ; phun khử khuẩn chuồng; đảm bảo chế độ dinh dưỡng có cả tinh bột và rau xanh. Tuy năm nay ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi, dịch Covid-19, thu nhập của gia đình ít hơn mọi năm do giá bán ra thấp chỉ được 70 triệu đồng từ nuôi lợn, trồng ngô, cấy lúa, bán rượu nhưng cuộc sống vẫn ổn định.
Hội CCB huyện Phong Thổ có 17 cơ sở Hội, 114 chi hội với 1.767 hội viên. Những năm qua, Hội vận động hội viên tích cực tham gia phong trào “CCB gương mẫu” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, Hội cũng chú trọng, quan tâm nắm bắt tư tưởng của gia đình các hội viên có hoàn cảnh khó khăn để có phương án giúp đỡ bằng nguồn lực xã hội hóa về vật chất: cây, con giống, tiền mặt. Hàng năm, chỉ đạo Hội CCB các xã, thị trấn rà soát, bình xét cho các hộ nghèo được vay vốn, phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, dưới sự ủy thác của các ngân hàng trên địa bàn, Hội CCB huyện quản lý 60 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ 102,165 tỷ đồng; tạo điều kiện, giải quyết việc làm cho trên 3.000 người. Nhờ đó, hội viên CCB trong huyện có động lực vượt khó vươn lên; sáng tạo với nhiều mô hình kinh tế mới. Đến nay, toàn huyện có 3 trang trại, 75 gia trại, 12 dịch vụ kinh doanh, 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã giải quyết việc làm cho hơn 50 con em CCB; 139ha cây thảo quả, 22ha rừng cao su do CCB làm chủ. Điển hình như: trồng cây cao su của CCB Đèo Văn Muôn (xã Khổng Lào); sản xuất vật liệu xây dựng của CCB Đinh Xuân Cơ (thị trấn Phong Thổ); Mùa A De (xã Mù Sang) với mô hình nuôi dê và trồng cây ăn quả… cho thu nhập cao từ 70-200 triệu đồng/năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội CCB huyện Phong Thổ cho biết: Thời gian qua, hội viên CCB huyện tích cực đổi mới tư duy, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hiện nay, Hội có 1.383 hộ gia đình hội viên có mức sống từ trung bình trở lên; gia đình hội viên nghèo giảm còn 195 hộ. Ngoài ra, hàng năm tất cả hội viên trong huyện đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, thôn, bản; hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông, nhà văn hóa, các công trình công cộng; gìn giữ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới. Các tổ chức Hội cơ sở ngày càng vững mạnh, khẳng định được vai trò trên các lĩnh vực của đời sống; góp sức để huyện biên giới Phong Thổ ngày càng khởi sắc.
Được biết, hiện nay, Hội CCB huyện đang tuyên truyền, vận động các hội viên và Nhân dân thu hoạch nông sản: chuối, lạc, đậu tương, ngô, bán mủ cao su để tăng thu nhập cho gia đình. Chuẩn bị các điều kiện sản xuất và chăm sóc lúa đông xuân đúng khung lịch thời vụ. Tiếp tục phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi hàng hóa thị trường... Phấn đấu, năm 2022, giảm tỷ lệ hộ CCB nghèo xuống 10,5%, tăng tỷ lệ hộ gia đình CCB có đời sống khá và giàu, bảo đảm ổn định đời sống trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.