Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Những năm qua, phong trào 'Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững' đã được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo và đem lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn Lai Châu phát triển.

Cùng Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Cang (huyện Than Uyên) - Cầm Thị Xuấn, chúng tôi tới thăm mô hình trồng rau hữu cơ của 4 gia đình ở bản Cang Mường. Chị Xuấn chia sẻ: Đây là một trong những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả và có cách làm hay, sáng tạo bởi những người phụ nữ đã thay đổi tư duy trong trồng trọt. Họ đã biết sử dụng phân chuồng được ủ bằng những kiến thức đã được Hội Hội LHPN huyện phối hợp với các cấp ngành tổ chức. Nhờ đó, cung cấp ra thị trường sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn và bảo vệ môi trường.

Đang chăm sóc vườn rau hữu cơ, chị Lò Thị Thực một trong những hộ trồng rau phấn khởi nói: “Với diện tích 70m2 đất 4 gia đình chúng tôi chủ yếu trồng rau muống. Các công đoạn từ trồng tới chăm sóc được chúng tôi phân công rõ ràng và tuyệt đối nói không với thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón hóa học. Để rau phát triển tốt, đem lại thu nhập chúng tôi xác định phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Vì vậy, đã lựa chọn sử dụng phân hữu cơ bằng cách ủ các loại phân chuồng và phân bón hữu cơ. Nhờ đó, rau phát triển tốt, được người dân ưa chuộng và đặt hàng nhiều”.

Hội viên phụ nữ bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên mạnh dạn đầu tư trồng mít Thái Lan đem lại thu nhập cao.

Hội viên phụ nữ bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên mạnh dạn đầu tư trồng mít Thái Lan đem lại thu nhập cao.

Trung bình 20 ngày các hộ gia đình thu hoạch một lần. Năm 2021, từ mô hình trồng rau hữu cơ, đã thu về số tiền gần 60 triệu đồng. Thời gian tới, chị Thực cùng các hộ tiếp tục trồng thêm những giống rau khác để đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.

Hay như gia đình hội viên Nùng Thị Phương, ở bản Cang Mường lựa chọn chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế của gia đình. Tận dụng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả làm chuồng trại chăn nuôi và trồng khoảng 20ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc, chị Phương đã đầu tư nuôi 15 con trâu, 5 con bò và 3 con dê. Mỗi năm chị Phương lãi từ 100-200 triệu đồng. Đến nay, gia đình chị là một trong những hộ khá giả của bản.

Được biết, để đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ rà soát số lượng hội viên nghèo để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ. Lồng ghép thực hiện phong trào với triển khai thực hiện Đề án 939 ‘‘Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

Để giúp đỡ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp Hội LHPN tỉnh ký ủy thác với các ngân hàng trên địa bàn cho hội viên vay vốn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Đến nay, Hội LHPN tỉnh quản lý gần 400 tổ vay vốn đã hỗ trợ 12.590 hộ với tổng dư nợ gần 700 tỷ đồng.

Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động các tổ tiết kiệm và vận động thành lập mới tổ tiết kiệm tại 331 chi hội phụ nữ. Hiện toàn tỉnh có 461 tổ với 7.049 thành viên, tổng số tiền tiết kiệm hơn 7 tỷ đồng. Từ số tiền đó các hội viên, phụ nữ nghèo được vay vốn không mất lãi hoặc lãi suất thấp để đầu tư các mô hình kinh tế, trang trại chăn nuôi, trồng trọt.

Thông qua Hội LHPN xã, chị Lò Thị Uôn - bản Noong Hẻo 2, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ vay vốn để đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Thông qua Hội LHPN xã, chị Lò Thị Uôn - bản Noong Hẻo 2, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ vay vốn để đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Thông qua Đề án 939 ‘‘Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, năm 2021 Hội LHPN tỉnh tổ chức 2 cuộc truyền thông về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh cho 400 cán bộ, hội viên, phụ nữ tại 2 xã Vàng San (huyện Mường Tè), Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn); 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý trong quản lý sử dụng vốn, vật tư, điều hành hiệu quả và nâng cao năng lực cho cán bộ hội các cấp, doanh nghiệp do nữ quản lý, hợp tác xã, tổ hợp tác về kỹ năng kinh doanh, quản lý điều hành cho 74 chị. Phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn LOREAL Việt Nam tổ chức mở lớp dạy nghề làm tóc cho lao động nông thôn tại huyện Sìn Hồ, thành phố Lai Châu. Qua đó, nhằm trang bị kiến thức để cán bộ, hội viên, phụ nữ có thể khởi nghiệp, phát triển kinh doanh và quản lý vốn vay hiệu quả.

Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ trên toàn tỉnh tăng cường các hoạt động vận động hỗ trợ, giúp đỡ ngày công, giống, vật nuôi cây trồng cho các hộ nghèo, phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ đơn thân, gia đình có người phải đi cách ly với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả .

Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2016-2020, Hội LHPN tỉnh đã giúp hơn 500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh mỗi năm khoảng 4,78%. Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-lai-ch%C3%A2u-gi%C3%BAp-nhau-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-kinh-t%E1%BA%BF