Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Nhờ chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây đương quy đã giúp nhiều nông dân xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường) có kinh tế phát triển, cho thu nhập từ 80 - 150 triệu đồng/hộ/năm.
Những năm trước đây, trên mảnh ruộng 5.000m2 gia đình anh Ma A Phử (ở bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng) trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, thấy nhiều hộ dân của huyện Sìn Hồ trồng đương quy cho thu nhập gấp nhiều lần trồng ngô, lúa nên anh Phử đã thử nghiệm trồng 5.000m2 loại cây dược liệu này.
Anh Ma A Phử chia sẻ: Năm đầu tiên trồng đương quy vì chưa có kinh nghiệm nên tôi gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, tốn nhiều thời gian làm cỏ, tưới nước nhưng năng suất không đáng là bao, vụ đầu tiên chỉ thu hoạch được 1 tấn củ. Không nản lòng, tôi tiếp tục tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc cây đương quy trên sách, báo và những người đã trồng trước đó. Thấy nhiều gia đình áp dụng việc bọc nilon lên luống, gia đình đã học theo. Sau một tháng triển khai, toàn bộ phần luống đã bọc nilon cỏ không mọc được, chỉ xuất hiện cỏ giữa các luống, vì vậy việc làm cỏ đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Cùng với đó, anh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động giúp giảm thời gian, đảm bảo độ ẩm cho đất. Không chỉ vậy, anh còn bón thêm các loại phân chuồng, đạm, lân, kali để cây phát triển. Nhờ chăm sóc đúng yêu cầu kĩ thuật, các vụ tiếp theo đương quy sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, mỗi vụ cho thu hoạch từ 3 – 3,5 tấn củ, bán ra thị trường với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg. Không chỉ có thu nhập từ củ, trong thời gian đương quy phát triển, anh thường xuyên tỉa lá để kích thích sự phát triển của củ, số lượng lá thu được mang ra chợ thành phố Lai Châu bán với giá 20.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình từ 130 – 150 triệu đồng
Thấy nhiều hộ dân trong xã trồng đương quy cho thu nhập cao, năm nay anh Sùng A Chớ - bản Sáy San 1 cũng chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng 2.000m2 đương quy. Đây là năm đầu tiên trồng nên anh Chớ đã học hỏi kỹ thuật của các hộ đã trồng những năm trước, nhờ đó toàn bộ diện tích đương quy của gia đình anh hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Anh Chớ cho biết: “Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu tôi thấy cây đương quy là cây dược liệu quý, có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe con người, được người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá thành cao. Đặc biệt, nhiều hộ dân trong xã đã trồng thử nghiệm và thành công với cây dược liệu này, vì vậy, năm nay tôi quyết định trồng 2.000m2 đương quy. Nhờ tích cực chăm sóc, đến nay cây đương quy sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác”
Cây đương quy được người dân xã Nùng Nàng đưa vào trồng tại địa bàn từ năm 2018. Đến nay, đã có 10 hộ tham gia trồng với tổng diện tích hơn 1ha. Các hộ trồng cây đương quy được cán bộ nông nghiệp xã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cách thu hoạch, bảo quản dược liệu, nhất là việc che phủ ni lông để giảm thời gian, công sức làm cỏ.
Ông Ngô Văn Sĩ - Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng cho biết: “Năm 2018, cây đương quy được đưa về trồng trên địa bàn xã, sau nhiều năm trồng và chăm sóc các hộ trồng đương quy đều khằng định cây dược liệu này khá phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Đến nay, đã có nhiều hộ gia đình mở rộng diện tích trồng đương quy, cây dược liệu này cho thu nhập cao, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con Nhân dân xã vùng cao Nùng Nàng”.
Sau hơn 4 năm bén rễ trên đất Nùng Nàng, đương quy đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân địa phương. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích để hình thành vùng trồng đương quy tập trung, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con Nhân dân trên địa bàn.