Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Sáng ngày (1/4), tại huyện Tam Đường, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị trực tuyến làm việc với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) tới điểm cầu các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ nhằm thống nhất triển khai các Dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Tam Đường có các đồng chí: Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Cao Khuê - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Đặng Văn Châu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tẩn Thị Quế - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tam Đường; Bùi Huy Phương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Uyên; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan; đại diện lãnh đạo một số phòng, ban huyện, Chủ tịch UBND các xã, Bí thư chi bộ, Trưởng bản ở những khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu của huyện Tam Đường.

Tại các điểm cầu, dự Hội nghị có đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện và Trưởng các phòng, ban huyện, Chủ tịch UBND các xã, Bí thư chi bộ, Trưởng bản ở những khu vực quy hoạch vùng nguyên liệu.

Đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chủ trì Hội nghị.

Đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chủ trì Hội nghị.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả rà soát, thống kê về quy mô quỹ đất, cơ cấu cây trồng, địa điểm có thể triển khai thực hiện Dự án trên địa bàn các huyện: Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Phong Thổ. Các huyện trên có 631.867,1ha đất tự nhiên, trong đó 420.645,37ha đất nông nghiệp, 28.1598ha đất phi nông nghiệp và 183.062,7ha đất đồi núi chưa sử dụng. Hiện, 6 huyện trên đã trồng thí điểm một số cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương cho hiệu quả kinh tế cao, như: chanh leo, dứa và rau màu.

Với tiềm năng đất đai tại các huyện trên, tỉnh định hướng chuyển đổi hơn 10.000ha đất ruộng một vụ và diện tích ngô, rau màu kém hiệu quả phù hợp với khả năng phát triển cây chanh leo; 2.130ha đất nương, đồi phù hợp để trồng dứa; 16.709ha đất ruộng thích hợp để trồng ngô ngọt mang lại hiệu quả cao và 34.964,03ha đất phù hợp để phát triển một số loại rau.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Tam Đường.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Tam Đường.

Tỉnh ta đã ban hành một số chính sách để hỗ trợ công ty trong việc triển khai vùng nguyên liệu tại địa phương. Đặc biệt, Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ chi phí tư vấn, xây dựng hạ tầng, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm và mô hình trình diễn liên kết.

Hay như, Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, hỗ trợ trồng cây ăn quả (chanh leo), xây dựng cơ sở chế biến, xử lý và bảo quản nông sản. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tại Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh.

Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Để thực hiện tốt quy mô đầu tư 23.000ha các loại cây trồng (chanh leo, dứa, ngô, rau), tỉnh đề nghị Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao phân công cán bộ tham gia khảo sát thực địa từng địa điểm, vị trí cụ thể mà các địa phương đã giới thiệu để lựa chọn việc đầu tư theo hướng khả thi, hiệu quả. Sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, ký các hợp đồng liên kết để Dự án được triển khai trong năm 2022.

Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho nông dân ứng 100% tiền cây giống, 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư (vật liệu làm giàn che). Sau khi nghiệm thu Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí theo chính sách của tỉnh. Công ty ký kết thu mua toàn bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho nông dân. Tuy nhiên, tỉnh đề nghị Công ty thu mua cả sản phẩm mẫu mã quả không được như mong muốn để tránh thiệt thòi cho người dân.

Tại Hội nghị, đồng chí Đinh Cao Khuê - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sơ lược sự hình thành và phát triển của Công ty. Công ty đầu tư theo 2 hình thức vừa sản xuất vừa liên kết với người dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện, Công ty đang bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa lưới ở tỉnh Lào Cai. Sản phẩm chính của Công ty có dứa, chanh leo, chuối, ngô ngọt và các loại rau. Với hệ thống máy móc hiện đại, Công ty chế biến ra các đồ uống, uy tín, chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Công ty đầu tư vùng nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành trong nước, như: Ninh Bình, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông...

Đồng chí Tẩn Thị Quế - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tam Đường phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Tẩn Thị Quế - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tam Đường phát biểu tại Hội nghị.

Đối với Lai Châu, Công ty dự kiến trồng 1.000ha chanh leo năm 2022; trồng rau chân vịt để xuất sang thị trường Nhật Bản. Những năm tiếp theo, Công ty tiếp tục mở rộng diện tích dứa, chanh leo, chuối, ngô ngọt và các loại rau tại Lai Châu.

Một số ý kiến phát biểu tại các điểm nêu rõ, chính quyền các cấp trong tỉnh cần phối hợp với Công ty rà soát, thống kế về quy mô quỹ đất, cơ cấu cây trồng, địa điểm có thể triển khai thực hiện Dự án của từng hộ dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân tham gia Dự án; quan tâm, kiểm soát hiệu quả bệnh loang dầu cho cây chanh leo.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của các sở, ngành, địa phương đã rà soát, thống kê quy mô quỹ đất, cơ cấu cây trồng, địa điểm có thể triển khai thực hiện Dự án tại địa bàn 6 huyện trên. Đồng chí đề nghị, Công ty cần quan tâm tạo ra sản phẩm có thương hiệu chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu. Chủ tịch UBND các huyện trên sớm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huyện, xã và thị trấn phối hợp với Công ty giới thiệu những vị trí, địa điểm, các yếu tố đảm bảo kết nối hạ tầng giao thông, nhân công, lao động nhằm cung cấp cho nhà đầu tư những số liệu cụ thể, đảm bảo tính khả thi khi triển khai Dự án.

Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân ký kết và hoàn thiện hợp đồng liên kết; hỗ trợ thành lập Hợp Tác xã, Tổ Hợp tác, Nhóm hộ liên kết với nông dân trong sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Thành lập Tổ công tác chuyên môn để hỗ trợ Công ty và các doanh nghiệp khác trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, đề xuất, trình tự, thủ tục, các bước lập hồ sơ và kết nối với các phòng, đơn vị chuyên môn của các sở, ngành để trao đổi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án…

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/th%E1%BB%91ng-nh%E1%BA%A5t-tri%E1%BB%83n-khai-c%C3%A1c-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-%C4%91%E1%BA%A7u-t%C6%B0-v%C3%A0o-l%C4%A9nh-v%E1%BB%B1c-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-tr%C3%AAn-%C4%91%E1%BB%8Ba-b%C3%A0n-t%E1%BB%89nh