Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 17/2022/ UBTVQH15 về số giờ làm thêm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/4/2022. Theo đó, số giờ làm thêm trong một tháng không quá 60 giờ và giờ làm thêm một năm không quá 300 giờ.

Không ít công nhân mong được làm thêm giờ để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: THY THƯƠNG

Không ít công nhân mong được làm thêm giờ để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: THY THƯƠNG

Từ nhu cầu thực tế

Có thể nói số giờ làm thêm, điều kiện làm thêm giờ của người lao động... khi đưa vào Bộ luật Lao động từng được tranh luận sôi nổi. Bộ luật Lao động sửa đổi mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định rõ: số giờ làm thêm, các điều kiện làm thêm giờ. Luật quy định số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 40 giờ trong một tháng. Số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong một năm và doanh nghiệp được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm cho một số trường hợp được quy định cụ thể.

Mặc dù Bộ luật Lao động mới có hiệu lực thi hành nhưng do ảnh hưởng của đại dịch nên Chính phủ đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về số giờ làm thêm trong một tháng, một năm của người lao động theo hướng tăng lên so quy định của Luật. Bàn về sự cần thiết phải tăng giờ làm thêm, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, cần nhìn thẳng, nhìn kỹ hơn hai vấn đề dư luận xã hội hiện nay rất đồng tình và quan tâm. Đó là, quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi kinh tế, mở cửa trở lại, bình thường hóa mọi quan hệ và cần phải ổn định kinh tế vĩ mô, yếu tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Tuy thị trường lao động đã phục hồi tương đối nhanh so với yêu cầu nhưng đời sống của người lao động vẫn bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch nên thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng. Bởi thế một số lao động thật sự có nhu cầu làm thêm giờ. Mặt khác, dịch vẫn diễn biến phức tạp, số lao động bị F0 tăng nhanh, nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu lao động sản xuất. Chưa kể, tình trạng lao động "nhảy việc", do cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp cũng dẫn đến tình trạng thiếu lao động cục bộ, tạm thời. Đáng chú ý, chúng ta đang thiếu tạm thời cả lao động phổ thông và lao động có trình độ cao. Nhưng chủ yếu là lao động trình độ cao. Đó là lý do mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị "Chính phủ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh thời gian làm thêm trong tháng, trong năm, nhất là trong giai đoạn phục hồi này. Qua đó để giải quyết được cả hai việc, đó là nhu cầu làm thêm của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp".

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đồng ý đề xuất về nâng trần giới hạn làm thêm giờ trong một tháng, và mở rộng đối tượng được phép làm thêm trong năm đến 300 giờ theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội. Tuy nhiên, mức nâng cụ thể và mở rộng đối tượng đến đâu thì cần phải thảo luận kỹ lưỡng để bảo đảm vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe và quyền lợi cho người lao động.

Hợp lý và thận trọng

Xuất phát từ nhu cầu cần làm thêm giờ của một số lao động cũng như doanh nghiệp nên Chính phủ đã đề xuất nâng trần thời gian làm thêm trong một tháng lên mức không quá 72 giờ và trong một năm không quá 300 giờ. Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đồng ý tăng trần giờ làm thêm là không quá 60 giờ trong một tháng, một năm không quá 300 giờ và phải được sự đồng ý của người lao động. Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định rõ các trường hợp không được áp dụng tăng giờ làm thêm. Đây là mức tính toán nhằm bảo đảm cho sức khỏe lâu dài cho người lao động.

Bàn về giải pháp tăng thu nhập cho người lao động và bảo đảm kế hoạch tăng trưởng sản xuất cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay, mục tiêu xuyên suốt của chúng ta về lâu dài, là tăng lương, giảm giờ làm đối với người lao động chứ không phải tăng giờ làm thêm. Dịch Covid-19 là cơ hội để chúng ta chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vậy chẳng lẽ cứ tăng giờ làm lên, trong khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá trị tăng trưởng lại không thấy đề cập?

Về phía doanh nghiệp, khi trả lương giờ làm thêm phải tính theo quy định của Điều 98 Bộ luật Lao động. Nếu trả lương làm thêm vào ngày thường ít nhất bằng 150%, vào ngày nghỉ hằng tuần ít nhất bằng 200%, vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300%. Như vậy, chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên do trả tiền lương, do phải chi các khoản liên quan an toàn vệ sinh lao động, tiền ăn thêm giờ... Trong khi doanh nghiệp chỉ lợi về tăng hiệu suất sử dụng máy móc, thiết bị.

Thật ra, doanh nghiệp phải huy động làm thêm giờ trong điều kiện buộc phải có đủ sản phẩm để kịp thời đưa ra thị trường, nhằm tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong khi chưa thể tăng năng suất lao động nhờ công nghệ. Còn người lao động, sẽ có thêm thu nhập mà không phải lao đao tìm kiếm ở đâu, dù ngược lại họ thiệt hại về sức khỏe, không đủ thời gian để tái tạo sức lao động, không đủ thời gian chăm sóc cho gia đình... Dù muốn hay không thì tăng giờ làm thêm đều có tác động ảnh hưởng đến cả người lao động và người sử dụng lao động.

Tuy vậy, cái chung nhận được là: Người lao động có điều kiện tận dụng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, vật tư đang có sẵn trên dây chuyền sản xuất với số thời gian làm thêm vừa phải, để tăng thêm nguồn thu nhập lương thiện chính đáng. Còn doanh nghiệp, có đủ khoảng thời gian an toàn cần thiết để xử lý các tình huống phát sinh về hàng hóa mà không lo tới việc "vi phạm pháp luật", và các đối tác trong, ngoài nước của doanh nghiệp không vin vào cớ đó để cắt bỏ đơn hàng.

Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm chỉ áp dụng trong bối cảnh phòng, chống Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, như vậy là hợp lý và thận trọng đúng như tinh thần của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: "Chúng ta xây dựng quan hệ lao động phải hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cần có đánh giá đầy đủ nếu không thì không chỉ ảnh hưởng vấn đề lao động, việc làm mà còn ảnh hưởng đến chính trị, xã hội".

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/h%C3%A0i-h%C3%B2a-l%E1%BB%A3i-%C3%ADch-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-doanh-nghi%E1%BB%87p