Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Với sự vào cuộc của chính quyền và quyết tâm của Nhân dân, xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) đang đổi mới từng ngày, cuộc sống của bà con được khởi sắc, bản làng thay da đổi thịt, tô điểm thêm một dải biên cương.

Sau khi chia tách và thành lập (năm 2012), một diện mạo mới đang hình thành trên khắp các bản của người La Hủ, Hà Nhì nơi đây. Từng ngôi nhà truyền thống xen lẫn ngôi nhà xây cao tầng mang cảm giác vừa cổ điển vừa hiện đại. Đường giao thông nông thôn được bê tông, đồng ruộng, nương ngô mở rộng, đặc biệt hơn, trẻ em được đến trường học “con chữ”, vui chơi, học tập với bạn bè, thầy cô. Đó là những điều chúng tôi tận mắt thấy khi quay lại mảnh đất này.

Người dân xã Tá Bạ phát triển chăn nuôi góp phần giảm nghèo.

Người dân xã Tá Bạ phát triển chăn nuôi góp phần giảm nghèo.

Những ngày đầu thành lập, cuộc sống của Nhân dân ở Tá Bạ gặp nhiều khó khăn, địa hình cao, dốc, khí hậu không thuận lợi, khoa học kỹ thuật không được áp dụng nên lao động sản xuất vất vả, gian nan. Một bộ phận người dân có tính ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ, lười lao động, đam mê rượu và nghiện hút nên khó càng thêm khó.

Để xây dựng xã vùng biên khởi sắc, cán bộ xã xuống bản để hiểu dân, biết dân cần gì và những nguyên nhân cản trở khiến đói nghèo bủa vây. Biết được nguyên nhân phần lớn do nhận thức, các anh vận động, tuyên truyền bà con xóa bỏ hủ tục, an cư lập nghiệp, không theo kẻ xấu, không vượt biên mà tích cực lao động, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Cùng dân lao động, dạy cách sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, mở các lớp dạy nghề, đưa cây trồng, con giống có chất lượng áp dụng vào thực tế. Chính quyền xã còn khuyến khích Nhân dân phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, tăng cường bảo vệ, phát triển rừng. Ngoài ra, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của xã ra thị trường, tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Có nguồn sức mạnh tác động vào ý chí, Nhân dân ở 6 bản làm theo những gì cán bộ xã định hướng, an cư, lập bản lập mường, không còn tư tưởng nơi nào thuận tiện thì ở chỗ đấy. Tăng cường khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất, tăng từ 1 vụ lên 2 vụ lúa, ngô, tích cực cày cấy, chăm sóc đồng, nương. Niềm vui hồ hởi khi đến ngày gặt, ngô, thóc trên diện tích 220ha, năng suất đạt từ 29 đến 40 tạ/ha, riêng rau màu các loại đạt 62 tạ/ha. Nhân dân các bản còn quy hoạch các bãi chăn thả, nhân giống tăng đàn, xây dựng chuồng trại, đưa chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa với số lượng 655 con gia súc, gần 5.000 con gia cầm, tốc độ tăng đàn 5%/năm.

Nông sản làm ra không chỉ tự cung tự cấp mà còn dư thừa cho mùa vụ sau. Chị Pờ Hu Pứ (bản Tá Bạ) cho biết: Nhờ cán bộ xã tuyên truyền, dân bản thay đổi nhận thức, không còn ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ, tự mình vươn lên trong cuộc sống. Nâng cao kiến thức ở các lớp dạy nghề, mở rộng đất sản xuất, xây dựng mô hình chăn nuôi; dân bản còn đoàn kết trong phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu. Gia đình tôi đầu tư vào chăn nuôi, đến nay cuộc sống khá giả.

Nhận thấy chỉ chăn nuôi và làm ruộng, nương không thể xóa đói giảm nghèo bền vững, chính quyền xã đã khảo sát, đánh giá thổ nhưỡng, khí hậu rồi đưa các cây công nghiệp, dược liệu, ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sa nhân, thảo quả, mắc-ca, sả, mận, lê,… vào trồng. Xã còn vận động Nhân dân phủ xanh đất trống, đồi trọc, khoanh nuôi bảo vệ rừng với diện tích 8.280,24ha, tỷ lệ che phủ đạt 74,7%. 400 hộ dân của xã được hưởng lợi hơn 7 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, khuyến khích người dân giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tuyên dương và nhân rộng mô hình kinh tế của các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ngoài đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã còn quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đào tạo, sử dụng nguồn lao động của xã, khuyến khích người dân xuất khẩu lao động, học nghề, đầu tư kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình, mở rộng việc làm cho bà con trong xã. Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 79,34% (theo tiêu chí mới), thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/năm.

Anh Lỳ Xú Che - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nâng cao cuộc sống người dân, không chỉ nỗ lực trong công tác tuyên truyền xã còn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đưa thêm nhiều giống mới; nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tin rằng, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, xã Tá Bạ sẽ luôn đi lên để thoát khỏi tình trạng xã nghèo của huyện.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/gi%E1%BA%A3m-ngh%C3%A8o-%E1%BB%9F-t%C3%A1-b%E1%BA%A1