Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp) luôn được huyện Nậm Nhùn quan tâm và thực hiện thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Nậm Nhùn là huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Nông dân toàn huyện gieo trồng 2.172,7ha lúa, 1.420ha ngô; chăm sóc 27.593 con gia súc, 177.894 con gia cầm, hơn 320 lồng cá và 77.373,96ha rừng...

Để đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Nậm Nhùn đẩy mạnh tuyên truyền về kiến thức, quy định về vệ sinh ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về ATTP, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP. Tuyệt đối không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục; tuân thủ quy tắc 4 đúng về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Cán bộ địa chính nông nghiệp thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn) hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho rau màu.

Cán bộ địa chính nông nghiệp thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn) hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho rau màu.

Bà Đinh Thị Chơn - bản Pa Kéo (thị trấn Nậm Nhùn) cho biết: “Vụ này, gia đình tôi gieo trồng hơn 500m2 các loại rau, củ, quả. Sau mỗi một vụ thu hoạch vợ chồng tôi làm lại đất, xới cỏ kỹ lưỡng, lên luống rồi mới xuống giống. Để đảm bảo rau sạch, an toàn, gia đình tôi tưới tiêu, bón phân theo đúng tỷ lệ, không lạm dụng thuốc kích thích rau phát triển... Nhờ đó, được bà con tin tưởng, ủng hộ và mỗi năm tôi cũng thu được 5 - 7 triệu đồng từ bán rau, thêm thắt vào chi tiêu cho gia đình”.

Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể của huyện phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền phổ biến pháp luật, giám sát, kiểm tra, xử phạt vi phạm quy định đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với chỉ dẫn địa lý, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn với các đơn vị trong và ngoài huyện để phục vụ nhu cầu của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất.

Đặc biệt, triển khai thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp từ khâu sản xuất, vận chuyển, kinh doanh lưu thông trên thị trường. Tiến hành kiểm tra đột xuất tại các cơ sở kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ. Kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu ATTP đối với các sản phẩm nông nghiệp tự công bố chất lượng; tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP để kịp thời phát hiện. Phối hợp thẩm định, phân loại sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn quản lý. Tổ chức ký cam kết và giám sát việc tuân thủ các nội dung cam kết đã ký...

Ông Đỗ Văn Thắng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện đều có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Cán bộ làm công tác quản lý ATTP được tập huấn, cập nhật kiến thức thường xuyên. Tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, củ, quả và các sản phẩm thịt, thủy sản ngày càng giảm; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, chăn nuôi và thủy sản đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP. Năm 2021, trên địa bàn huyện chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến sản phẩm nông sản...”.

Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của huyện Nậm Nhùn tiếp tục cùng phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp, đặc biệt, các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, chú trọng quảng bá các mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn...

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ki%E1%BB%83m-so%C3%A1t-an-to%C3%A0n-th%E1%BB%B1c-ph%E1%BA%A9m-trong-l%C4%A9nh-v%E1%BB%B1c-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p