Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có thêm nguồn lực để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh. Những đồng vốn này đã trở thành 'đòn bẩy' giúp nhiều hộ có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tại điểm giao dịch xã Tả Phìn (huyện Sìn Hồ), vừa làm thủ tục vay vốn, anh Chẻo In Pao, bản Bành Phán vui mừng cho hay: “Các cán bộ ngân hàng nhiệt tình hướng dẫn làm các thủ tục nên chỉ mất hơn 20 phút tôi đã hoàn thiện hồ sơ vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo với số tiền 100 triệu đồng trong vòng 5 năm. Với số tiền này gia đình tôi sẽ đầu tư mua 2 con trâu để phát triển mô hình nuôi trâu sinh sản, mở ra hướng phát triển kinh tế mới”.

Bà con đến điểm giao dịch xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ làm thủ tục vay vốn.

Bà con đến điểm giao dịch xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ làm thủ tục vay vốn.

Xã Tả Phìn có 623 hộ chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống. Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn vốn vay ủy thác từ NHCSXH là nguồn lực quan trọng để địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, UBND xã phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sìn Hồ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân vay vốn để phát triển kinh tế. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức hội, trưởng bản, tổ trưởng tổ vay vốn nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay và thu hồi nợ khi đến hạn trả. Toàn xã có 265 hộ vay với tổng dư nợ trên 12 tỷ đồng, các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích phát triển kinh tế. Nhờ đó, thúc đẩy kinh tế của xã ngày một khởi sắc. Năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 46,04% (theo tiêu chí mới).

Điển hình như bản Trị Xoang (xã Tả Phìn) là một trong những bản sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH. Hiện bản có 41 hộ được tiếp cận nguồn vốn trên 2 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ không phải đi vay lãi bên ngoài hoặc gặp khó khăn khi phải thế chấp tài sản để vay. Các hộ vay vốn chủ yếu tập trung đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi trâu sinh sản, kinh doanh dịch vụ, có thu nhập từ 50-100 triệu đồng mỗi năm nên nhiều hộ đã trả được cả lãi và gốc đúng hạn.

Để nguồn vốn đến đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sìn Hồ đã thực hiện sắp xếp đặt lịch giao dịch cố định tại các xã, thị trấn 1 tháng/1 lần. Hầu hết các xã, thị trấn đều đặt các biển hiệu ở nơi dễ nhìn, niêm yết công khai các chính sách liên quan; hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn, danh sách các hộ vay vốn còn dư nợ, có hòm thư góp ý kiến cho hoạt động của ngân hàng. Qua đó, giúp người dân tiếp cận được với các chính sách, đồng thời hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình khi vay vốn. Hiện tổng dư nợ đạt 439 tỷ 365 triệu đồng/13 chương trình với 9.001 hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay.

Từ năm 2019 đến nay, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tam Đường đã nỗ lực tập trung giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Cũng từ nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho bà con mở thêm nhiều ngành nghề nông thôn, liên doanh, liên kết tạo việc làm cho người dân địa phương. Tổng dư nợ tại ngân hàng đạt trên 385 tỷ đồng với 7.600 hộ vay. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng lớn nhất với 122 tỷ đồng.

Gia đình ông Lò Văn Phốm, ở bản Tân Hợp, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) là một trong những hộ thoát nghèo sau khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh của ngân hàng. 5 năm trước, sau khi họp bình xét ở bản và kiểm tra trực tiếp của cán bộ ngân hàng chính sách, gia đình ông Phốm được vay 30 triệu đồng và đến cuối năm 2021 ông tiếp tục được vay 30 triệu đồng để mua trâu sinh sản. Nhờ vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi, gia đình ông đã thoát nghèo và trả hết số vốn vay trước; có điều kiện trang trải cuộc sống đủ đầy hơn.

Lãnh đạo xã Sơn Bình, huyện Tam Đường vận động bà con bản Huổi Ke tận dụng nguồn vốn vay trồng dong riềng.

Lãnh đạo xã Sơn Bình, huyện Tam Đường vận động bà con bản Huổi Ke tận dụng nguồn vốn vay trồng dong riềng.

Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 15 chương trình tín dụng, dư nợ được ủy thác chủ yếu qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên) với 1.420 tổ tiết kiệm và vay vốn; triển khai mạng lưới điểm giao dịch phục vụ Nhân dân tại 106/106 xã, phường, thị trấn. Tổng dư nợ đạt 2 nghìn 541,863 triệu đồng với 49.254 khách hàng vay vốn.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cùng kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách theo định kỳ và đột xuất; đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý vốn ủy thác cho cán bộ chuyên trách; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát kiên quyết không để ra sai sót, vi phạm.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc giảm nghèo, năm 2021 tỷ lệ giảm bình quân là 3,1%, riêng các huyện nghèo là 4,6%. Góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ph%C3%A1t-huy-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-v%E1%BB%91n-vay-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch