Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Được đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2013, đến nay cây lê đã bén rễ trên đất Tam Đường và cho thu hoạch với giá trị kinh tế cao. Năm nay, lê được mùa, được giá, người dân vui mừng, phấn khởi. Đây là triển vọng để huyện tiếp tục mở rộng diện tích, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả ôn đới.

Gia đình anh Tẩn A Dao ở bản Tà Chải, xã Hồ Thầu là một trong những hộ thành công với mô hình trồng giống lê VH6. Trước đây, trên diện tích đất đồi của gia đình, anh trồng ngô nhưng hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Được xã tuyên truyền, vận động trồng cây lê, gia đình anh mạnh dạn đăng ký trồng thử nghiệm 45 cây với hy vọng cây lê sẽ góp phần tạo thêm thu nhập cho gia đình. Sau 5 năm chăm sóc, đến năm 2020 một số diện tích lê của gia đình anh cho thu hoạch. Năm đầu tiên thu được khoảng 2 tạ quả, hai năm trở lại đây toàn bộ diện tích lê cho thu hoạch, cây lê sai quả, giá bán từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, góp phần tạo thêm thu nhập.
Anh Tẩn A Dao phấn khởi nói: Tôi bắt đầu trồng lê từ năm 2015. Cây lê dễ trồng, dễ chăm sóc, hàng năm chỉ cần làm cỏ, vun gốc, bón phân từ 2-3 lần, ít bị sâu bệnh nên cũng không mất nhiều công chăm sóc như chanh leo, dong riềng. Mỗi năm cho thu hoạch từ 8 - 9 tạ quả. Thời điểm đầu mùa, lê được giá, tôi bán đổ với giá 25.000 đồng/kg. Thời điểm này đã vào chính vụ nên giá lê cũng giảm xuống, hiện bán đổ với giá 15.000 đồng. Các thương lái tới tận vườn thu mua nên không mất công mang đi bán lẻ. Cây lê đem lại thu nhập ổn định, trên 20 triệu đồng/năm, tôi sẽ mở rộng diện tích vào thời gian tới.

Người dân bản Nhiều Sang (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) thu hoạch lê.

Người dân bản Nhiều Sang (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) thu hoạch lê.

Đến thăm vườn lê rộng 1ha của gia đình anh Phàn A Sơn ở bản Xin Chải (xã Giang Ma) chúng tôi thấy những quả lê to, sai trĩu cành trông thật thích mắt. Qua câu chuyện với anh Sơn, chúng tôi được biết, những năm trước đây, trên mảnh đất này gia đình anh trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Theo định hướng phát triển kinh tế của xã, năm 2013 anh mạnh dạn trồng 300 cây lê. Năm 2019 và 2021 tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay gia đình anh trồng hơn 800 cây lê. Diện tích lê trồng từ năm 2013 đến năm 2018 đã bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Sơn vui mừng cho biết: Nhờ tuân thủ đúng yêu cầu kỹ thuật nên cây lê sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả, mỗi năm bán ra thị trường trung bình từ 4 - 5 tấn. Cây lê đem lại cho gia đình thêm nguồn thu khá lớn, trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng. Giang Ma có khí hậu mát mẻ, phù hợp với việc trồng lê, thời gian tới tôi và các hộ trên địa bàn xã tiếp tục chăm sóc để cây lê cho năng suất, chất lượng cao, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định.
Nhờ thời tiết, khí hậu thuận lợi, năm nay lê sai quả, quả to, ngọt, nhiều nước, bán được giá, các tiểu thương đến thu mua lê tại vườn với giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, xã Giang Ma có quốc lộ 4D đi qua, lượng người và phương tiện lưu thông khá đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và phát triển kinh tế - xã hội. Tận dụng lợi thế này, các vườn lê giáp đường quốc lộ đã mở cửa đón du khách đến vườn tham quan, trải nghiệm hái, thưởng thức những trái lê và mua về làm quà biếu người thân.
Được biết, giống lê VH6 được trồng thử nghiệm từ năm 2013 tại các xã: Nùng Nàng, Giang Ma, Hồ Thầu của huyện Tam Đường. Ưu điểm nổi bật của giống lê VH6 là sinh trưởng khỏe, dễ trồng, dễ chăm sóc, cây trồng 4 - 5 năm cho thu hoạch, quả lê chín sớm vào cuối tháng 6, chín trước các giống lê địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện có 97ha lê, trong đó 40% diện tích đã cho thu hoạch.
Đánh giá về hiệu quả của cây lê trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: Những năm gần đây diện tích lê trồng từ năm 2013-2015 đã cho thu hoạch, Nhân dân vui mừng, phấn khởi vì lê được mùa, hiệu quả kinh tế cao. Giống lê VH6 khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, tăng thêm thu nhập cho bà con. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp với các xã tiếp tục rà soát quỹ đất, mở rộng diện tích lê tại 3 xã đã trồng và triển khai thí điểm tại 2 xã: Khun Há, Sơn Bình.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/c%C3%A2y-l%C3%AA-v%C3%A0o-v%E1%BB%A5-thu-ho%E1%BA%A1ch