Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Cây mắc-ca được đưa vào trồng thử nghiệm tại huyện Tam Đường từ năm 2011. Sau hơn 10 năm sinh trưởng và phát triển, cây mắc-ca đang cho thu hoạch với giá trị kinh tế cao. Thời điểm này, người dân đang tất bật thu hoạch mắc-ca, năm nay mắc-ca sai quả, quả to, bán được giá thành cao.
Gia đình ông Thùng Văn Có ở bản Na Đông là một trong những hộ tiên phong phát triển cây mắc-ca tại xã Thèn Sin. Sau hơn 10 năm trồng và chăm sóc, đến nay, hơn 100 cây mắc-ca của gia đình ông cho thu hoạch đều đặn. Ông Có cho biết: “Thực hiện định hướng phát triển kinh tế của huyện Tam Đường, năm 2011, gia đình tôi là hộ đầu tiên trồng thử nghiệm mắc-ca. Sau nhiều năm bén rễ trên đất Thèn Sin, cây mắc-ca sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 1 tấn quả, với giá bán dao động từ 50-60 nghìn đồng/kg quả tươi tại vườn. Trừ các khoản chi phí cho thu 40-50 triệu đồng từ mắc-ca.
Được biết, năm 2011, xã Thèn Sin là địa phương đầu tiên của huyện Tam Đường trồng thử nghiệm, đến năm 2014 xã tiến hành mở rộng diện tích mắc-ca. Hiện, toàn xã có 117ha mắc-ca, trong đó có 47ha trồng thuần, còn lại 70ha mắc-ca xen chè, đến nay đã có 20% diện tích cho thu hoạch. Năm nay, mắc-ca được mùa, người dân rất phấn khởi, thời điểm đầu vụ bán với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg, năng suất ước đạt gần 5 tấn/ha (đối với trồng thuần).
Cùng với xã Thèn Sin, xã Bản Hon cũng là địa phương khá thành công với mô hình trồng mắc-ca, đến nay, xã có 141,6ha mắc-ca, trong đó, có 26ha trồng thuần, 115,6ha mắc-ca xen chè. Để cây mắc-ca sinh trưởng và phát triển tốt, xã Bản Hon thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường xuống trực tiếp các bản để hướng dẫn người dân kĩ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, diện tích mắc-ca của xã xanh tốt, sai quả, cho thu nhập ổn định.
Anh Tao Văn Én (bản Đông Pao 1, xã Bản Hon) cho biết: “Gia đình tôi trồng 60 cây mắc-ca từ năm 2012. Đến năm 2017, bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được 5 - 6 tạ, bán ra thị trường với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg quả tươi, cho thu nhập trên 20 triệu đồng. Tôi thấy cây mắc-ca là loại cây dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, lại cho giá trị kinh tế cao".
Không chỉ mắc-ca trồng thuần cho giá trị kinh tế cao mà mắc-ca xen chè cũng đem lại “hiệu quả kép”, vừa góp phần tạo thêm nguồn thu nhập từ mắc-ca vừa giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: Hiện, huyện Tam Đường có 1.074ha mắc-ca, trong đó có 231,05ha trồng thuần, 843,27ha mắc-ca xen chè, tập trung ở các xã: Thèn Sin, Bản Hon, Bản Bo, Bản Giang, Hồ Thầu, Bình Lư, Khun Há, Nà Tăm… Sau nhiều năm triển khai trồng mắc-ca tại một số xã của huyện cho thấy điều kiện khí hậu, thời tiết và chất đất phù hợp, nhờ đó mắc-ca sai quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng ước đạt gần 5 tấn/ha (đối với trồng thuần), 9 tạ/ha (đối với mắc-ca xen chè).
Để cây mắc-ca phát triển ổn định, bền vững, huyện Tam Đường mời gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư. Hiện, Công ty TNHH Liên Việt mắc-ca Lai Châu đầu tư tại các xã: Khun Há, Bản Bo, Nà Tăm; Công ty HL mắc-ca Lai Châu đầu tư tại xã Thèn Sin. Đây chính là cơ hội giúp các xã liên doanh, liên kết với các công ty để bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát quỹ đất, tiến hành quy hoạch, mở rộng diện tích mắc-ca, nhất là đối với mắc-ca xen chè.
Với giá trị kinh tế từ cây mắc-ca mang lại cùng với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, tin rằng, cây mắc-ca sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện.