Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Vào thời điểm giao mùa, thời tiết trên địa bàn huyện Sìn Hồ diễn biến phức tạp khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm sút, đây chính là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, huyện Sìn Hồ đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh.

Gia đình anh Lý A Nhè ở bản Tà Ghênh (xã Phìn Hồ) hiện đang có đàn lợn 15 con. Những năm trước, do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát gây thiệt hại về kinh tế và làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Rút kinh nghiệm cho bản thân và để đảm bảo đàn lợn của gia đình được phát triển tốt, anh Nhè thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn lợn cũng như tình hình dịch bệnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử khuẩn xung quanh khu vực chăn nuôi, đảm bảo chế độ ăn dinh dưỡng cho đàn lợn. Nhờ vậy, đến thời điểm này, đàn lợn của gia đình anh khỏe mạnh và phát triển tốt.

Trao đổi với chúng tôi anh Nhè cho biết: Để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi gia đình luôn tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh và theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của từng cá thể trong đàn. Ngoài việc giữ cho chuồng nuôi luôn thoáng mát, trong những ngày nắng nóng, gia đình tôi thường xuyên tắm cho lợn, định kỳ phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh.

Bà Nguyễn Thị Chinh - khu 5 (thị trấn Sìn Hồ) thường xuyên vệ sinh chuồng trại đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi.

Bà Nguyễn Thị Chinh - khu 5 (thị trấn Sìn Hồ) thường xuyên vệ sinh chuồng trại đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi.

Cũng như anh Nhè, gia đình bà Nguyễn Thị Chinh - khu 5 (thị trấn Sìn Hồ) là hộ chăn nuôi tổng hợp với đàn lợn 25 con, trên 150 con vịt, ngan. Để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt trong thời điểm mùa hè dễ phát sinh các loại dịch bệnh gia đình bà thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, thực hiện tiêm phòng định kỳ, phun khử khuẩn đầy đủ. Ngoài ra, bà Chinh còn tận dụng cho lợn, vịt, ngan ăn phụ phẩm nông nghiệp như: rau, ngô, bã rượu… Bà Chinh cho biết: Hiện, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao, khiến việc chăn nuôi của gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi có đủ vườn, ao, chuồng của gia đình đã tận dụng tốt được nguồn thức ăn từ rau củ thừa, góp phần giảm chi phí về thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm.

Những năm qua, huyện Sìn Hồ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, đến nay, toàn huyện có trên 74.000 con gia súc, trong đó đàn trâu, bò trên 28.000 con, tổng đàn gia cầm đạt 310.000 con. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại xã Làng Mô gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người dân. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là vào thời điểm giao mùa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi hiểu đúng, hiểu rõ về tình hình dịch bệnh.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biết cách nhận biết để sớm phát hiện, khai báo tình hình dịch bệnh và có phương án chữa trị kịp thời. Cùng với đó, vận động người dân thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, chủ động tiêm phòng vắc-xin, đặc biệt là quan tâm chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng vật nuôi. Không chủ quan, lơ là với dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm đã từng xảy ra trước đó như: dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở bò, cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm…

Ông Bế Văn Tiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông và UBND các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; tham mưu cho UBND huyện chuẩn bị sẵn các nguồn lực cần thiết để chủ động ứng phó khi có dịch bệnh phát sinh, tránh để lây lan trên diện rộng.

Cùng với đó, cán bộ Trung tâm thường xuyên giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngoài ra, Trung tâm còn tuyên truyền tới bà con về diễn biến tình hình dịch bệnh trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân, huyện Sìn Hồ phấn đấu duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh tái phát, lây lan, góp phần đảm bảo mức tăng trưởng của đàn vật nuôi.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-dich-b%E1%BB%87nh-tr%C3%AAn-%C4%91%C3%A0n-gia-s%C3%BAc-gia-c%E1%BA%A7m-%E1%BB%9F-v%C3%B9ng-cao