Miền núi phía Bắc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 16 đến hết đêm 17-7, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.

Cụ thể, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa đến Quảng Bình có lượng mưa phổ biến từ 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).

Ngoài ra, ngày và đêm 16-7, khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm (mưa tập trung vào chiều và tối). Độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Mưa lũ chảy qua đoạn đường quốc lộ 4D (đoạn qua thôn Tả Lèng, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) ngày 14-7-2024. - Ảnh:TTXVN

Mưa lũ chảy qua đoạn đường quốc lộ 4D (đoạn qua thôn Tả Lèng, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) ngày 14-7-2024. - Ảnh:TTXVN

Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Tại một số địa phương miền núi phía Bắc, mưa lớn trong thời gian dài khiến nhiều khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Cảnh báo, trong sáng 16-7, các tỉnh Lào Cai và Phú Thọ tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm; nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Sa Pa, Văn Bàn (Lào Cai); Cẩm Khê, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập (Phú Thọ). Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Trên biển, ngày và đêm 16-7, từ Bình Định đến Cà Mau, Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2-3m; biển động.

Đêm 16-7, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió Đông Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-3m; biển động.

Khu vực Bắc, Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa), vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ngày 17-7, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió Đông Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-3m; biển động; từ đêm gió giảm dần.

Ngày và đêm 17-7, vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

NGỌC ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/mien-nui-phia-bac-co-nguy-co-cao-xay-ra-lu-quet-sat-lo-dat-785544