Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Không 'li hương' hay 'li nông', người dân vẫn có thể làm giàu, xã Mường Kim (huyện Than Uyên) chủ động khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về nhân lực, đất đai với cách làm rất riêng.

Là xã thuần nông nên bao đời nay, cây ngô, cây lúa luôn là chủ lực trong cơ cấu sản xuất của Mường Kim. Việc cây chè phủ xanh sườn đồi; cây màu vụ đông xuất hiện ngày càng nhiều trên chân ruộng 1 vụ cho thấy tư duy, phương thức sản xuất của người dân nơi đây đã thay đổi từ chính định hướng đúng của cấp ủy, chính quyền xã.

Trồng cây gì, quy hoạch vùng ra sao? Hình thức tuyên truyền, vận động sao cho hiệu quả đến tính toán lịch thời vụ, triển khai mô hình thí điểm để thâm canh, luân canh tăng vụ? Đặc biệt, phải giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Trả lời những câu hỏi đó, Đảng ủy, UBND xã Mường Kim đã nhiều lần họp bàn, thống nhất và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Lãnh đạo huyện Than Uyên thăm mô hình khoai tây tại xã Mường Kim.

Lãnh đạo huyện Than Uyên thăm mô hình khoai tây tại xã Mường Kim.

Theo đó, xã nhất quán quan điểm: quy hoạch vùng sản xuất; chuyển đổi đất ruộng 1 vụ thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng cây màu; thực hiện thí điểm, hiệu quả mới nhân rộng; huy động nguồn lực từ Nhân dân; cử cán bộ chuyên trách “cầm tay chỉ việc” và lãnh đạo xã chịu trách nhiệm liên kết, tìm đầu ra.

Đó chính là lí do, ngay sau khi kết thúc vụ lúa mùa, tháng 11/2021, xã liên kết với Hợp tác xã Trường An (tỉnh Bắc Ninh) thực hiện dự án trồng tập trung 15ha khoai tây chất lượng cao tại 3 bản: Nà Dân, Chiềng Ban 1 và Nà Đình. Thực hiện nghiêm quy trình canh tác, nông dân các bản có vụ khoai tây thắng lợi. Đây là tiền đề để tháng 5/2022, Mường Kim tiếp tục triển khai trồng thí điểm 3ha bí đao xanh Nôva 209. So với cây khoai tây, đây là mô hình công nghệ cao (người dân tự đối ứng chi phí làm giàn, lưới, hệ thống tưới tự động). Do vậy, chỉ 10 hộ dân thuộc 3 bản: Nà Khương, Nà Dân, Nà Đình được lựa chọn tham gia thực hiện.

Chi phí đầu vào cao, quyết tâm thực hiện thành công ngay từ lứa đầu, vụ đầu, UBND xã giao 1 cán bộ nông nghiệp - địa chính xã phụ trách hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc đến thành lập đoàn đi tham qua, học tập mô hình tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tính đến thời điểm này, toàn xã xuất bán khoảng 200 tấn bí xanh cho các chợ đầu mối ở miền xuôi, thu về hơn 800 triệu đồng. Và, hiện nay, Mường Kim tiếp tục vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng thêm 5ha bí đao dưới chân ruộng 1 vụ.

Theo tính toán, sau khi trừ chi phí đầu vào, thu nhập từ trồng bí cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Sau khi xã định hướng cơ cấu mùa vụ cũng như giống cây trồng mới, ngay trong vụ mùa năm nay, Nhân dân 2 bản: Nà Đình, Nà Dân đăng ký tham gia thí điểm mô hình trồng dưa chuột trên diện tích 1,4ha đất ruộng thiếu nước sản xuất vụ mùa. Hiện, các hộ dân đã hoàn thành xuống giống và đang tiến hành làm giàn cho dưa.

Khi được hỏi lí do quyết định chuyển đất ruộng sang trồng cây màu, ông Tòng Văn Dân ở bản Nà Đình cho chúng tôi biết: Gia đình chưa từng nghĩ sẽ có cây trồng nào phù hợp ngoài cây lúa trên đồng đất quê hương. Bởi, thực hiện sản xuất 2 vụ lúa đã đảm bảo nhu cầu lương thực của gia đình và còn 1 phần để bán. Tuy vậy, để có thu nhập cao hơn thì phải có cách làm khác. Nhiều hộ trong bản đã lựa chọn đi ra khỏi địa phương để làm thuê, nhất là thanh niên. Tôi thì không muốn bản thân và các con cũng vậy, vì không đâu bằng quê hương mình. Vậy nên, tôi quyết định chuyển đổi vì sản phẩm được xã trực tiếp tìm đầu ra; cán bộ nông nghiệp “cầm tay chỉ việc”, không lo thất bại. Từ mô hình bí xanh, gia đình tôi thu về vài chục triệu đồng, hy vọng cây dưa chuột cũng sẽ như vậy.

Khắc phục tình trạng thiếu nước trên đất ruộng, gia đình ông Dân cũng như các hộ khác đều đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Đồng thời, thuê thêm nhân công là người dân trong bản để thực hiện các khâu sản xuất nhằm đảm bảo cây dưa chuột phát triển theo đúng khung, lịch thời vụ, cho năng suất cao.

Lãnh đạo xã Mường Kim, huyện Than Uyên hướng dẫn người dân bản Nà Đình làm giàn trồng dưa chuột.

Lãnh đạo xã Mường Kim, huyện Than Uyên hướng dẫn người dân bản Nà Đình làm giàn trồng dưa chuột.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi thành công các mô hình trồng cây màu, nhiều hộ dân đã chủ động đến UBND xã đề xuất được tham gia ở các vụ tới. Tuy nhiên, hiện các mô hình mới đang thí điểm và có sự đối ứng hoàn toàn của người dân nên xã lựa chọn nhân rộng mô hình bí xanh. Còn với cây dưa chuột, sau khi kết thúc vụ sản xuất, đánh giá hiệu quả mới xác định lại vùng để thực hiện. Đồng thời, đăng ký thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp để có thể thực hiện đại trà cây màu ra nhiều bản của xã.

Đẩy mạnh sản xuất vụ đông; chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang luân canh cây màu; lựa chọn cây nông nghiệp có thời vụ ngắn, phù hợp nhu cầu thị trường để sản xuất… Mường Kim đã và đang tạo bước đột phá mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Từ đó, làm cơ sở thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, hình thành mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển thành các hợp tác xã, tổ liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản, giúp bà con cải thiện thu nhập. Góp phần duy trì và nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trở thành xã nông thôn kiểu mẫu của huyện.

Với sự quyết tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo và định hướng sản xuất đúng, trúng của cấp ủy, chính quyền xã cùng nỗ lực của Nhân dân, đến nay, xã Mường Kim có 238ha chè; 301ha đất ruộng 2 vụ, trong đó hơn 50ha đất canh tác lúa hàng hóa; 335ha ngô, 100ha sắn, 60ha rau đậu, 30ha đậu tương, 18ha lạc. Ngoài ra, với hơn 2.000ha rừng, trong đó 1.884,76ha được chi trả dịch vụ môi trường rừng. 2.190 hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại, trồng 22,5ha cỏ với tổng đàn gia súc 13.545 con và trên 25.000 gia cầm các loại; có 24,6ha diện tích mặt nước nuôi cá các loại.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/chuy%E1%BB%83n-%C4%91%E1%BB%95i-c%C6%A1-c%E1%BA%A5u-c%C3%A2y-tr%E1%BB%93ng-c%C3%A1ch-l%C3%A0m-%E1%BB%9F-m%C6%B0%E1%BB%9Dng-kim