Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nhờ địa bàn rộng, nguồn nước dồi dào, những năm qua huyện Tam Đường khuyến khích người dân mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản. Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị kinh tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 212,5ha đất nuôi trồng thủy sản, đạt 100% so với kế hoạch. Những năm qua, cơ quan chuyên môn huyện phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, tập trung vào các loại cá phù hợp với khí hậu, nguồn nước của địa phương như: trắm, chép, rô phi…

Những năm trở lại đây tận dụng địa hình đồi núi dốc, nhiều khe, suối, khí hậu quanh năm mát mẻ, các xã như Bản Bo, Hồ Thầu, Sơn Bình phát triển các loại cá nước lạnh, đem lại giá trị kinh tế cao (cá hồi, cá tầm). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 26 cơ sở nuôi cá nước lạnh với tổng thể tích là 18.000m3. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thủy sản thu hoạch được là 403 tấn, trong đó 78 tấn cá nước lạnh.

Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, đây cũng là hướng phát triển kinh tế bền vững cho nông dân trên địa bàn. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong nuôi trồng thủy sản để góp phần tăng sản lượng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Người dân xã Bản Giang, huyện Tam Đường có thu nhập cao từ nuôi trồng thủy sản.

Người dân xã Bản Giang, huyện Tam Đường có thu nhập cao từ nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, năm 2021 anh Lù A Đường ở bản Tẩn Phủ Nhiêu, xã Bản Giang đào 6.000m2 ao để thả các loại cá như: trắm, chép, rô phi… Cá sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi năm cho thu trên 5 tấn.

Anh Đường phấn khởi nói: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa, ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ để phát triển kinh tế. Thấy nhiều hộ dân trong xã có thu nhập cao từ nuôi trồng thủy sản, năm 2021 tôi mạnh dạn đào ao thả cá. Hàng ngày, tôi cắt cỏ cho cá ăn, ngoài ra cho ăn thêm cám, bỗng rượu để bổ sung chất dinh dưỡng. Nhờ chăm sóc chu đáo, cùng với phòng bệnh cho cá đầy đủ, đàn cá lớn nhanh, mỗi năm thu được trên 5 tấn cá, đem lại thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng. Tôi thấy nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, ngô”.

Anh Giàng A Chìa ở bản Chu Va 8, xã Sơn Bình là hộ có kinh tế phát triển nhờ nuôi cá nước lạnh. Việc chọn giống cá được anh lựa chọn kĩ lưỡng, mua giống trực tiếp từ Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh thị xã Sa Pa. Anh nuôi trên 8.000 con cá hồi, cá tầm, theo anh Chìa những loại cá này cá cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ, nguồn nước suối trong sạch cùng với tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kĩ thuật chăm sóc, đàn cá của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Mỗi năm gia đình anh xuất hơn 10 tấn cá, trừ các khoản chi phí cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Từ nuôi cá nước lạnh kinh tế gia đình khá giả, có điều kiện lo cho các con ăn, học.

Khai thác thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản đã giúp người dân trên địa bàn huyện có nguồn thu nhập ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước xây dựng quê hương Tam Đường ngày một giàu đẹp.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/tam-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-th%E1%BB%A7y-s%E1%BA%A3n