Kinh tế truyền thông: Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển báo chí
Ngày 01/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề 'Kinh tế truyền thông: Lý luận thực tiễn và kinh nghiệm'.
Dự hội thảo có nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, cơ quan, nhà xuất bản, báo, tạp chí Trung ương và địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN
Đổi mới sáng tạo thì nội dung sẽ thay đổi, chất lượng tăng, nguồn thu sẽ đến
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Phát triển kinh tế truyền thông là cơ hội giúp cho các cơ quan truyền thông có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế truyền thông cũng xuất hiện không ít những biểu hiện tiêu cực, những hiện tượng thương mại hóa, biểu hiện ở việc một số cơ quan truyền thông sa vào việc làm kinh tế, tìm mọi cách để tăng thu, không chú trọng vào chức năng, nhiệm vụ chính của mình trong việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục. Thậm chí có trường hợp coi nhẹ những chức năng, nhiệm vụ này, chỉ lấy chúng làm vỏ bọc cho việc làm kinh tế, thu lợi nhuận.
PGS.TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh: Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội, đa dạng các nền tảng số xuyên biên giới, vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các cơ quan truyền thông truyền thống. Điều này cũng đòi hỏi các cơ quan truyền thông phải không ngừng nỗ lực xây dựng những mô hình truyền thông mới.
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam cho biết kinh tế truyền thông đang là nỗi trăn trở của không chỉ báo chí trong nước mà cả báo chí nước ngoài.
Về vấn đề kinh tế báo chí, là người làm nghề, trực tiếp vận hành các đơn vị báo chí trong một khoảng thời gian dài, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, đã có rất nhiều nghiên cứu xung quanh vấn đề này nhưng không nên đưa những mô hình của nước ngoài làm tiêu chuẩn, dù cũng có những thứ rất hay nhưng có thể sẽ không phù hợp.
Đơn cử như vấn đề thu phí. Với hơn 10 năm nghiên cứu về thu phí, nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ rằng mô hình thu phí như New York Times là một mô hình vô cùng đặc thù không ai có thể học được kể cả báo chí nước ngoài hay những mô hình thành công khác đều đi theo các cách thức khác nhau... Nếu các báo không có cái nhìn đúng đắn mà chạy theo thì chắc chắn sẽ thất bại. Tất nhiên, làm nội dung bán được cho người dùng là mục tiêu cao nhất của báo chí, làm sao để người ta bỏ tiền ra mua thì mới thực sự là tờ báo có nội dung giá trị.
"Trong cuốn sách mà TTXVN chủ trì sản xuất trong 3 năm qua nói về đổi mới sáng tạo trong báo chí đề ra khoảng gần 15 phương thức tạo doanh thu chứ không chỉ là mỗi thu phí nên cũng xin lưu ý là nếu chúng ta đắm đuối với mô hình thu phí chúng ta dễ bỏ quên những thế mạnh khác..." , nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Đặc biệt, nhà báo Lê Quốc Minh cũng khẳng định: Dù nhiều cơ quan báo chí Việt Nam cũng rất đổi mới sáng tạo với các mô hình tổ chức sự kiện... nhưng điều lo ngại nhất là hầu hết các cơ quan báo chí rất chủ quan, chưa có chiến lược thực sự dài hạn để đối phó với khó khăn.
Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế truyền thông: Lý luận thực tiễn và kinh nghiệm” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức
Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh cho rằng việc đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng tờ báo cũng như tăng nguồn thu. Các cơ quan báo chí không nghĩ ra được sản phẩm mới sẽ khó để phát triển. Trong một tài liệu mới đây có khẳng định rằng tư duy sản phẩm là cứu rỗi báo chí, tức là hãy nghĩ ra những sản phẩm mới liên tục, không thể chỉ loanh quanh với sản phẩm cũ. Khái niệm “Product Thinking” (tư duy sản phẩm) là khái niệm rất chủ đạo trong nền báo chí thế giới, đòi hỏi các tòa soạn và lãnh đạo các tòa soạn phải có tư duy sản phẩm.
Đặc biệt, để tạo ra được những sản phẩm tốt đòi hỏi phải có sự đổi mới sáng tạo. Như ngày 1/10/2021, Báo Nhân Dân ra mắt bản tin âm thanh trên các kênh podcast. Tuy báo có số lượng phát hành khá lớn, nhưng 130 – 150 nghìn bản một ngày chưa thể tiếp cận được toàn bộ độc giả, khán thính giả trong nước. Nên làm sao đưa được chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo nhân dân là điều được quan tâm và cũng là một trong những lý do để tờ báo tiếp tục đổi mới.
Các cơ quan báo chí không nghĩ ra được sản phẩm mới sẽ khó để phát triển, cần nghĩ ra những sản phẩm mới liên tục, không thể chỉ loanh quanh với sản phẩm cũ.
Theo báo cáo mới nhất, mong muốn về đổi mới sáng tạo là mối quan tâm lớn nhất của tất cả các tòa soạn trên thế giới chứ không phải nguồn thu. "Khi chúng ta đổi mới sáng tạo thì nội dung sẽ thay đổi, chất lượng tăng lên, từ đó nguồn thu sẽ đến... Dịch bệnh COVID-19 với sự tàn phá khủng khiếp của nó nhưng cũng thúc đẩy chúng ta phải tiến hành những điều mà trước đây chúng ta chưa từng làm hoặc làm còn chậm. Ví dụ như câu chuyện chuyển đổi số. Nếu có tư duy sáng tạo như vậy, chắc chắn về mặt sản xuất nội dung nói chung và kinh tế truyền thông sẽ khởi sắc hơn", nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, chia sẻ nội dung về “Giữ vững định hướng tư tưởng trong điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế truyền thông”, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang cho rằng, báo chí truyền thông vừa là công cụ tuyên truyền, là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân vừa thực hiện chức năng kinh tế trong phát triển báo chí truyền thông nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Báo chí Việt Nam đã ghi nhận sự song hành của hai nhiệm vụ này.
Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN trình bày tham luận với chủ đề "Giữ vững định hướng tư tưởng trong điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế truyền thông". Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Vì vậy, các cơ quan báo chí rất cần có sự đầu tư, quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn thu báo chí bị suy giảm nghiêm trọng. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước sẽ là nguồn động viên to lớn, đặc biệt đối với lực lượng phóng viên luôn có mặt ở tuyến đầu, thôi thúc những người làm báo cống hiến để có những tác phẩm báo chí có giá trị phục vụ công chúng.
Đối với Thông tấn xã Việt Nam, giữ vững định hướng tư tưởng và phát triển kinh tế truyền thông là hai nhiệm vụ song hành. Để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, vừa giữ vững định hướng chính trị, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí, thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã tập trung đổi mới tư duy về cách thức tổ chức thông tin, nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức tuyên truyền trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, vừa phản ánh sinh động các sự kiện trọng đại của đất nước cũng như các vấn đề của đời sống xã hội. Thông tin chuẩn xác, tin cậy được các cơ quan báo chí trong và ngoài nước khai thác, sử dụng; được công chúng tin tưởng trích nguồn mỗi khi có những thông tin đa chiều trong xã hội. Đó chính là giá trị cốt lõi của thông tin thông tấn.
Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội
Đại diện cho cơ quan báo chí địa phương, nhà báo Lê Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Hànôịmới thì cho rằng: Có những vấn đề không phải là khó làm mà vẫn làm được, như việc tổ chức sự kiện, từ năm 2020 chúng tôi rất quan tâm đến hoạt động này và liên tục có đổi mới. Việc này cũng mang lại nguồn thu cho chúng tôi, đó không phải tiền quảng cáo mà tiền hỗ trợ tuyên truyền.
Về chiến lược phát triển, chúng tôi rất muốn thông qua các hội thảo, chúng ta đúc rút được những vấn đề từ thực tiễn, rút thành lý luận để những người làm kinh tế báo chí áp dụng ở cơ sở, làm báo để các cơ quan báo chí ở địa phương phát triển hơn trong thời gian tới.
Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Lê Tâm
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí – Bộ TT&TT: Chúng ta phải bắt đầu từ việc thừa nhận một thực tế khách quan, đó là hành vi của người dùng trong kỷ nguyên số đã thay đổi. Hành vi người dùng với tư cách là người tiêu dùng sản phẩm thông tin hoàn toàn thay đổi. Người dùng ở đâu thì thông tin và giá trị nội dung truyền thông phải ở đó. Không còn câu chuyện chúng ta làm ra sản phẩm rồi để người tiêu dùng không biết tiếp cận như thế nào.
Chúng ta vẫn hay nghĩ nội dung là quan trọng mà quên mất hạ tầng phân phối với những thuật toán và công nghệ hiện đại điều hướng được sự quan tâm của người đọc, người nghe, vì thế nó quan trọng không kém gì nội dung. Sử dụng công nghệ, truyền thông có khả năng tạo doanh thu, có mô hình kinh doanh, có tệp khách hàng, có dữ liệu người dùng với nhiều hành vi.
Ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định "Chúng ta vẫn nói về khó khăn, nhưng hơn lúc nào hết không gian sáng tạo của báo chí Việt Nam vẫn còn. Việc Báo Nhân Dân ra mắt bản tin thời sự hằng ngày trên các kênh podcast, là cách tiếp cận công dân trong kỷ nguyên số, để thay đổi cách tiếp cận của công chúng của báo Đảng. Như vậy không gian sáng tạo của báo chí chưa bao giờ rộng như bây giờ và chi phí thấp như bây giờ".
GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Tiếp thu các ý kiến góp ý tâm huyết tại hội thảo, GS,TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông cho biết: Bên cạnh những thành tựu những bước phát triển của truyền thông báo chí, chúng ta vẫn còn những hạn chế, như hạn chế về nhận thức, về làm kinh tế, lợi nhuận, vấn đề truyền thông báo chí sao cho hiệu quả, vấn đề quản lý vốn. Việc đầu tư đặt hàng báo chí sao cho hiệu quả… Trong thời gian tới, chúng ta cần tổng kết những sáng kiến, bài học về kinh tế truyền thông, mỗi một sáng kiến, một bài học là sự gợi ý cho mỗi đơn vị báo chí truyền thông trong bối cảnh hiện nay.