Kinh tế tư nhân cất cánh cùng kỷ nguyên vươn mình

Trong bài viết 'Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng', Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu bật vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân - khu vực được xem là năng động nhất của kinh tế đất nước.

Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. (Ảnh do AI tạo)

Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. (Ảnh do AI tạo)

Tổng Bí thư dẫn chứng vai trò trụ cột quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân qua hàng loạt con số: Gần một triệu doanh nghiệp, khoảng năm triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 51% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.

Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đánh thức khu vực kinh tế tư nhân

Có thể thấy, vai trò của kinh tế tư nhân càng ngày càng được khẳng định và chưa bao giờ khu vực có nhiều cơ hội phát triển như lúc này. Nhấn mạnh quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế tư nhân đã được nhận diện rõ và đúng đắn, ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho hay, qua 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành khu vực đông đảo nhất, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Masan, Sun Group, Vietjet, Thaco, TH Group... đã vươn ra biển lớn, khẳng định được thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.

Theo số liệu Cục Thống kê (Bộ Tài chính), cả nước hiện có hơn 940 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, cùng hơn năm triệu hộ kinh doanh cá thể. Khu vực này đã thực sự trở thành trụ cột không thể thiếu, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo, giúp thay đổi bộ mặt đô thị, hiện đại hóa nhiều ngành công nghiệp…

Chia sẻ với TG&VN, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân tại Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh khẳng định, giờ là thời điểm chín muồi để kinh tế tư nhân bứt phá. Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thúc đẩy khu vực này.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, từ trước đến nay, khu vực kinh tế tư nhân dường như bị “ngủ quên” khi đất nước tập trung nguồn lực nhiều hơn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhìn ra thế giới, ít có quốc gia lớn mạnh nào mà không có khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh. PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân lấy ví dụ, nhắc đến Hàn Quốc, người ta sẽ nghĩ ngay đến Samsung, LG. Hay nhắc đến Nhật Bản sẽ nghĩ ngay đến Honda, Toyota. Đây đều là những tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh. Và Việt Nam cần xây dựng thật nhiều tập đoàn như vậy. Để làm được điều này, việc “đánh thức” khu vực kinh tế tư nhân phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Chính phủ nên mạnh dạn đặt hàng, giao dự án quan trọng cho khu vực kinh tế tư nhân. Việc đặt hàng cho doanh nghiệp thực hiện các dự án trọng điểm phải được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, công khai và có giới hạn phạm vi cụ thể.

Tháo chốt, khơi thông điểm nghẽn

Thời gian qua, khu vực tư nhân đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, còn nhiều khó khăn vẫn đang “cản đường” khu vực tư nhân.

Đơn cử như việc chưa chú trọng đến đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại mới. Thậm chí, theo ông Thái Thanh Quý, vẫn đang còn tình trạng doanh nghiệp “không muốn lớn, không chịu lớn” bởi sự ràng buộc, lo ngại về quy định, thủ tục hành chính.

Về các nguyên nhân kìm hãm đà phát triển của kinh tế tư nhân, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chỉ rõ, kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn; sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp bên ngoài; các quy định, tiêu chuẩn khắt khe hơn về xanh hóa, bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ; môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự bình đẳng...

Bàn về giải pháp “tháo chốt”, khơi thông những điểm nghẽn, TS. Cấn Văn Lực gợi ý, Nhà nước cần thống nhất, nhất quán về tư duy “đột phá”; thay đổi quan điểm và nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân; đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; hết sức quan tâm khâu thực thi; tạo thuận lợi cho quá trình tiếp cận đất đai, tài chính, công nghệ mới; giải phóng nhanh các nguồn lực đang bị treo, tồn đọng, lãng phí.

Bản thân doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cũng cần đổi mới tư duy quản trị, bài bản, minh bạch, có tầm nhìn, chiến lược nhiều hơn; đặc biệt luôn nhận thức, hành động gắn với đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và thượng tôn pháp luật.

Từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái chia sẻ, doanh nghiệp tư nhân phải thay đổi từ môi trường truyền thống sang một môi trường mới, khác biệt hoàn toàn. Đặc biệt, doanh nghiệp phải biết lựa sức mình, tập trung vào các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, không dàn trải, đa ngành khi chưa đủ nguồn lực.

Việc tăng cường hợp tác được ông Đoàn coi là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tư nhân bứt phá. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái cho hay, nếu doanh nghiệp mạnh về ý tưởng, công nghệ nhưng yếu về vốn có thể hợp tác với doanh nghiệp mạnh về vốn nhưng yếu về công nghệ, ý tưởng… để cùng nhau nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Phát triển kinh tế tư nhân phải là chiến lược toàn diện, nơi mọi mắt xích đều có vai trò thiết yếu. (Nguồn: VGP)

Phát triển kinh tế tư nhân phải là chiến lược toàn diện, nơi mọi mắt xích đều có vai trò thiết yếu. (Nguồn: VGP)

Kiến tạo hệ sinh thái

Trong khi đó, TS. Nguyễn Quốc Việt, giảng viên trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặc biệt nhấn mạnh việc Chính phủ nên mạnh dạn đặt hàng, giao dự án quan trọng cho khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ cần chọn lọc các lĩnh vực và công trình ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng huy động và phân bổ nguồn lực. Việc đặt hàng cho doanh nghiệp thực hiện các dự án trọng điểm phải được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, công khai và có giới hạn phạm vi cụ thể.

Những doanh nghiệp được lựa chọn cần là các doanh nghiệp đã hoặc có tiềm năng triển khai các công trình, lĩnh vực trọng điểm, có khả năng dẫn dắt xu hướng phát triển và tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực sang các ngành và các doanh nghiệp khác. “Chính sự lan tỏa này sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong khu vực tư nhân, khơi dậy động lực phát triển bền vững cho toàn nền kinh tế”, TS. Nguyễn Quốc Việt khẳng định.

Coi khu vực kinh tế tư nhân như một cơ thể hoàn thiện, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví von, doanh nghiệp lớn là xương sống, doanh nghiệp nhỏ và vừa là mạch máu, còn hộ kinh doanh là thần kinh cảm ứng của nền kinh tế. Như vậy, để phát triển kinh tế tư nhân, không thể rời từng nhóm chủ thể, mà phải là chiến lược toàn diện, nơi mọi mắt xích đều có vai trò thiết yếu.

“Muốn kiến tạo một hệ sinh thái như vậy, điều kiện tiên quyết là phải dỡ bỏ thể chế, thiết kế lại chính sách theo ‘số đo riêng’ cho từng tầng doanh nghiệp, gắn với từng ngành, lĩnh vực và các ưu tiên phát triển”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, đã lựa chọn kinh tế thị trường và xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo, thì các chính sách, chiến lược phát triển cũng phải lấy khu vực này làm trọng tâm. Vai trò của Nhà nước cần theo hướng mở đường, dẫn dắt và quan trọng nhất là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

PGS. TS. Trần Đình Thiên mong muốn, Nhà nước cần mở ra một cách nhìn mới, tạo ra một hệ thống doanh nghiệp Việt Nam mới; nỗ lực “thay máu” để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo.

Nếu làm được điều này, doanh nghiệp tư nhân sẽ nỗ lực bứt phá trở thành lực lương tiên phong, là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng và “cất cánh” cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-tu-nhan-cat-canh-cung-ky-nguyen-vuon-minh-309856.html