Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia
Trình bày chuyên đề 'Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW' tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết 66-NQ/TW và 68-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra sáng 18-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mục tiêu của Nghị quyết 68-NQ/TW là đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân nước ta đã hình thành và phát triển qua nhiều năm, qua nhiều giai đoạn của lịch sử và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước. Cụ thể, sau gần 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 50% GDP của cả nước, hơn 30% thu ngân sách nhà nước và đặc biệt là giải quyết được hơn 82% lao động trên cả nước. Đây là những con số thể hiện vị trí, vai trò hết sức quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, vẫn còn một số mục tiêu chúng ta đặt ra vẫn chưa đạt được như mong muốn, như đến năm 2025 phải đạt được 1,5 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên đến năm 2024, chúng ta mới đạt gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh; tỷ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân của nước ta cũng thấp hơn một số nước trong khu vực, chỉ khoảng 9,4 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Điều đó cho thấy về số lượng cũng như chất lượng, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết 68-NQ/TW đã có một bước tiến lớn khi khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, rào cản hạn chế sự phát triển của kinh tế tư nhân. Dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm và có nhiều chính sách, nhưng một số chính sách có thể chưa thực sự trúng, chưa đúng và chưa đủ mạnh; hoặc khâu tổ chức thực hiện cũng chưa tốt. Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hệ thống thể chế còn nhiều vướng mắc, thủ tục còn rườm rà, chi phí tuân thủ cao, công tác thanh tra, kiểm tra còn nặng nề, còn định kiến, thành kiến với khu vực doanh nghiệp tư nhân khiến niềm tin bị thu hẹp, doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư dù năng lực, nguồn lực còn rất lớn. Vai trò, tiềm năng, nội lực của khu vực kinh tế tư nhân chưa được phát huy tương xứng.
Với Nghị quyết 68-NQ/TW, lần đầu tiên chúng ta mạnh dạn chỉ ra các thiếu sót, trong đó nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống, chưa đủ sức lan tỏa; doanh nghiệp chủ yếu vẫn tự xoay xở, gặp khó khăn trong nhiều vấn đề, đặc biệt trong việc tiếp cận các nguồn lực của đất nước như đất đai, vốn, lao động, dữ liệu...
Điểm nổi bật của Nghị quyết 68-NQ/TW, trước hết là thay đổi trong quan điểm và nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như trước đây, chúng ta xác định khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế, sau đó là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, thì nay, nghị quyết đã có một bước tiến quan trọng khi khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Chúng ta đã nhìn nhận và khẳng định đúng vai trò của khu vực này, dựa trên những đóng góp thực tiễn và vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí xứng đáng. Đây là một thay đổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thường trực Tỉnh ủy và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trường Chính trị tỉnh Bình Phước
Đặc biệt, với Nghị quyết 68-NQ/TW, chúng ta cũng mạnh dạn trao lại những quyền chính đáng cho doanh nghiệp, bảo đảm các quyền cơ bản như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền được tiếp cận một cách công bằng với các nguồn lực của đất nước. Những quyền này thực chất đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Điểm mới được khẳng định mạnh mẽ trong nghị quyết là Nhà nước phải đảm bảo vai trò kiến tạo cho sự phát triển và không được can thiệp bằng các biện pháp hành chính làm trái với các nguyên tắc của thị trường, làm méo mó các nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Liên quan đến việc cắt giảm các thủ tục hành chính và tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, nghị quyết quy định rất cụ thể: Ngay trong năm 2025, phải đảm bảo cắt giảm được ít nhất 30% thời gian xử lý các thủ tục hành chính, 30% các điều kiện kinh doanh và 30% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Liên quan đến các biện pháp về tài chính, nghị quyết chủ trương bãi bỏ lệ phí môn bài. Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động, đồng thời miễn tiền thuê nhà xưởng trong 3 năm đầu…
Về mục tiêu của nghị quyết, Thủ tướng nhấn mạnh: Đến năm 2023 phấn đấu đạt mục tiêu cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, 20 doanh nghiệp hoạt động/1.000 dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 68-NQ/TW xác định, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Để cụ thể hóa các mục tiêu đặt ra, Nghị quyết 68-NQ/TW cũng đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp, gồm: Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.