Xu hướng của một số đồng tiền châu Á chủ chốt sau đợt tăng giá so với USD

Các đồng nội tệ châu Á được dự báo sẽ có những hướng đi khác nhau sau đợt tăng giá đồng loạt so với USD.

Đồng won (trái) của Hàn Quốc và đồng USD. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng won (trái) của Hàn Quốc và đồng USD. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Bloomberg (Mỹ), sự sụt giá của đồng bạc xanh trên toàn cầu đã tạo lợi thế cho một số đồng nội tệ châu Á, như đồng won, do kỳ vọng các đồng tiền này có thể được đưa vào khuôn khổ đàm phán với Mỹ.

Có thể ví đồng USD trên thị trường tiền tệ giống như tiếng Anh trên thị trường ngôn ngữ: một công cụ trao đổi phổ quát, được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới (với 80% số tờ 100 USD hiện được giữ bên ngoài nước Mỹ). Tuy nhiên, thời gian qua, đồng USD phải chịu áp lực từ chính sách kinh tế gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, dẫn đến suy giảm niềm tin đối với tài sản Mỹ.

Các tuyên bố thương mại cứng rắn của ông Trump từ khi nhậm chức hồi tháng 1 đã khiến thị trường vĩ mô chao đảo, khiến đồng USD đánh mất vai trò truyền thống là “nơi trú ẩn an toàn” và buộc nhà đầu tư phải chuyển hướng tìm đến tài sản ở nơi khác. Dù đà bán đồng USD đã hạ nhiệt trong tháng 5, nhưng chỉ số Bloomberg Dollar Spot vẫn giảm gần 7% tính từ đầu năm đến nay. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi chỉ số này ra đời cách đây hai thập niên.

Dưới đây là các mức quan trọng đang được theo dõi đối với một số đồng nội tệ của châu Á.

Nhân dân tệ

Đầu tháng 5, Goldman Sachs đã nâng dự báo về đồng nhân dân tệ trong nước lên 7,20 đổi 1 USD cho giai đoạn 3 tháng và 7,10 đổi 1 USD cho giai đoạn 6 tháng. Trong khi trước đó Goldman Sachs dự đoán con số này là 7,30 và 7,35.

Ông Kamakshya Trivedi, người đứng đầu bộ phận ngoại hối và lãi suất toàn cầu của Goldman Sachs, phân tích với Bloomberg: “Tôi cho rằng họ có thể chấp nhận một mức tăng giá nhất định của đồng tiền để đổi lấy những kết quả thương mại hợp lý hơn”.

Ngoài ra, ông Trivedi cũng nhận xét việc đồng nhân dân tệ tăng giá dần dần có thể khiến nhà đầu tư sử dụng đồng tiền khác trong khu vực, như won Hàn Quốc, làm công cụ thay thế.

Ông Allan Von Mehren, nhà phân tích tại Danske Bank (Đan Mạch) có quan điểm tương tự: "Tình trạng yếu đi của nhân dân tệ liên quan đến nỗi lo về chiến tranh thương mại đãn phần nào lắng dịu và tôi nghĩ rằng tỷ giá USD/nhân dân tệ sẽ ổn định hơn". Theo ông, 7,20 nhân dân tệ đổi 1 USD là mức tâm lý trong ngắn hạn.

Won Hàn Quốc

Đồng won đã tăng so với USD trong tuần thứ 3 liên tiếp, một phần được hỗ trợ bởi tin tức rằng Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận về chính sách tiền tệ trong các cuộc đàm phán thương mại vào đầu tháng này.

Bà Shier Lee Lim tại Convera Singapore dự đoán tốc độ tăng giá của đồng won sẽ chậm lại khi động lực ban đầu liên quan đến thuế quan giảm dần. Bà bổ sung rằng xu hướng hiện tại có tiếp diễn hay không sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của thương mại toàn cầu, yếu tố mang lại lợi ích cho các nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Ông Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ, phân tích rằng đồng won phải đối mặt với ngưỡng tâm lý tiếp theo là 1.380 won đổi 1 USD.

Ringgit và baht

Ông Matthew Ryan tại Ebury Partners cho rằng cả đồng ringgit Malaysia và đồng baht Thái đều sẽ theo đà giảm vào cuối năm nay. Đồng ringgit có thể tiến tới mức 4,3 ringgit đổi 1 USD vào cuối quý hiện tại, tiếp theo là 4,5 ringgit đổi 1 USD vào cuối năm nay bởi Malaysia có thể gặp khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận có lợi với Mỹ, một phần do mối quan hệ thương mại chặt chẽ của quốc gia Đông Nam Á này với Trung Quốc.

Đối với đồng baht, việc Thái Lan tiếp xúc nhiều với cả Trung Quốc và Mỹ cùng với việc thị trường đang đánh giá thấp khả năng nước này sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới dẫn đến kịch bản đồng baht giảm giá hơn nữa. Ông Ryan lấy mức 35 baht đổi 1 USD làm ngưỡng hỗ trợ tâm lý tiếp theo.

Rupee Ấn Độ

Đồng nội tệ Ấn Độ cũng phải đối mặt với áp lực giảm giá, do những bất ổn dai dẳng về xung đột biên giới gần đây với Pakistan và dự đoán về khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong nước. Theo ông Kunal Sodhani, phó chủ tịch Ngân hàng Shinhan, mức kháng cự trước mắt của USD/rupee là 86,20. Ông đồng thời cho rằng nếu mức này bị phá vỡ thì mục tiêu tiếp theo sẽ là 87 rupee đổi 1 USD.

Ông Dhiraj Nim tại ANZ cho rằng đồng rupee sẽ đạt mốc 86 rupee đổi 1 USD vào cuối năm nay.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/xu-huong-cua-mot-so-dong-tien-chau-a-chu-chot-sau-dot-tang-gia-so-voi-usd-20250518110117642.htm