Kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển ngành năng lượng - Câu chuyện của doanh nghiệp Thanh Hóa tiên phong mở đường

Khi vấn đề tư nhân hóa góp phần phát triển ngành năng lượng ở nước ta còn nhiều khó khăn, vướng mắc thì tại Thanh Hóa, từ cách đây gần 25 năm đã có một doanh nghiệp mạnh dạn dấn thân 'đi trước một bước', đưa ra những quyết định 'chưa từng có trong tiền lệ' khi tham gia vào lĩnh vực xây lắp, quản lý, kinh doanh điện, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh, đất nước. Đó là Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa (CTCP XLĐL TH) - doanh nghiệp tư nhân của tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Cán bộ, nhân viên tổ quản lý điện xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn kiểm tra tình trạng vận hành của TBA trên địa bàn mình phụ trách. Ảnh: Đăng Khoa

Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 “về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Chính trị được xem là “chiếc chìa khóa” quan trọng “mở cánh cửa” cơ chế, tháo gỡ nút thắt cho vấn đề xã hội hóa trong phát triển ngành năng lượng.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 55, các dự án của doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng vẫn chủ yếu tập trung vào nguồn điện. Các dự án đầu tư vào lưới điện phân phối để phát triển phụ tải vẫn là “bài toán khó”; nhiều dự án điện không phát huy tối đa công suất do thiếu đường dây phân phối trung thế và trạm biến áp (TBA) phân phối. Trong khi đó, tốc độ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhu cầu sử dụng điện của người dân khiến cho nhu cầu phụ tải điện tăng cao, đặt ra thách thức lớn cho ngành điện. Những câu chuyện về cơ chế, chính sách, cách thức quản lý, vận hành... vẫn loay hoay phân tích, thảo luận...

Những quyết định đột phá, chưa từng có tiền lệ

Ít ai biết được rằng, từ cách đây gần 25 năm, CTCP XLĐL TH với kinh nghiệm, năng lực tài chính còn eo hẹp đã dám nghĩ dám làm, tạo nên những bước đột phá khi tham gia vào lĩnh vực xây lắp điện lực, mang điện về với bản làng xa xôi, quản lý, kinh doanh điện. Những hướng đi táo bạo, tiên phong, “chưa từng có tiền lệ” đã đưa công ty từng bước khẳng định uy tín, chất lượng trong ngành, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ những năm 2000, khi cơ chế, chính sách còn khó khăn, tiềm lực còn hạn chế, CTCP XLĐL TH đã chủ động đề xuất với UBND tỉnh và Công ty Điện lực 1 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) đồng ý cho ứng vốn hơn 100 tỷ đồng kết hợp với các Chương trình 135, WB, ODA, SIDA, hỗ trợ của ngân sách để xây dựng lưới điện trung, hạ thế và TBA cho 49 xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn chưa có điện thuộc các huyện miền núi Thanh Hóa. “Thực hiện chủ trương điện khí hóa nông thôn, trên hành trình vượt qua thách thức, tìm cơ hội cho chính mình, chúng tôi chấp nhận bước vào “cuộc chơi” thuận lợi ít, khó khăn nhiều, chấp nhận bỏ ra chi phí lớn, lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Mỗi một công trình mà CTCP XLĐL TH hoàn thành đều mang theo câu chuyện về trách nhiệm, lòng tin và sự phát triển. CTCP XLĐL TH luôn nêu cao tinh thần sáng tạo, cống hiến, đột phá trong tư duy, quyết liệt trong hành động, hướng đến mục tiêu hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và xã hội, tạo động lực vào sự phát triển chung của tỉnh, đất nước” - ông Nguyễn Đức Đủ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP XLĐL TH, bộc bạch.

Dự án hoàn thành chỉ trong vòng 3 năm (2001 - 2003), đóng điện kịp thời góp phần giúp cuộc sống của bà con vùng cao 11 huyện miền núi Thanh Hóa được cải thiện, thúc đẩy sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương và dân sinh. Vào thời điểm đó, nếu chỉ ngồi chờ vốn ngân sách Nhà nước hay vốn của ngành điện theo kế hoạch thì ước chừng phải mất 20 năm sau miền núi Thanh Hóa mới được phủ điện lưới quốc gia.

Để phát huy tốt vai trò, sứ mệnh “điện đi trước một bước”, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, “người thuyền trưởng” Nguyễn Đức Đủ trăn trở: "Hiện trạng lưới điện hạ thế nông thôn lúc bấy giờ đã xây dựng từ hàng chục năm trở về trước, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, cũ nát, bán kính cấp điện quá dài, tổn thất điện năng 30 - 40%. Điện cuối nguồn quá yếu nên thường xuyên xảy ra tình trạng sụt áp khiến nhiều nơi có điện cũng như không, phải dùng nến hoặc đèn dầu; người dân phải mua điện với giá cao.

Trước thực tế ấy, năm 2003, CTCP XLĐL TH lại có quyết định táo bạo, mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh được tiếp nhận nguyên trạng lưới điện hạ thế nông thôn. Khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, công ty đã huy động các nguồn lực, đồng thời tập trung vốn để hoàn trả giá trị lưới điện hạ thế còn lại cho địa phương; đầu tư cải tạo lưới điện hạ thế đã tiếp nhận, đảm bảo giá bán điện đến hộ bằng giá trần quy định của Chính phủ.

Uy tín, chất lượng là thước đo giá trị

“Tuổi đời” của công ty được ghi dấu bằng những ngày tháng lao động hăng say, khí thế, “vượt nắng thắng mưa”, “chỉ bàn làm chứ không bàn lùi”, chẳng màng vất vả, gian khó thi công các công trình xây lắp điện. Công ty đã xây lắp hoàn thành hàng ngàn công trình với khối lượng hàng chục ngàn km đường dây cao thế đến trung, hạ thế, hàng ngàn TBA với hàng chục ngàn KVA. Công ty hiện đang quản lý, bán lẻ điện trên địa bàn 117 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị xã, thành phố với khoảng 200 nghìn khách hàng, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng; đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt, được chính quyền địa phương và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Những năm gần đây, công ty đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng TBA, cải tạo, nâng cấp lưới điện, phối hợp chặt chẽ với các địa phương hoàn thành tốt tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM. Chúng tôi đến thăm xã Quảng Đức (Quảng Xương), xã có 1.750 hộ với khoảng 1.800 nghìn khách hàng, trong đó có 1 nhà máy may, 1 trang trại nông nghiệp công nghệ cao, hơn 20 doanh nghiệp sử dụng điện của CTCP Quản lý, kinh doanh điện Thanh Hóa (trực thuộc CTCP XLĐL TH). Tiếp nhận bàn giao lưới điện từ năm 2013, công ty luôn quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng TBA; nâng cấp, cải tạo đường dây; thường xuyên thay, lắp đặt công tơ mới; kịp thời khắc phục khi gặp sự cố... “Năm 2023, xã Quảng Đức đã được công nhận xã NTM nâng cao. Bên cạnh nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương thì có một phần tiếp sức quan trọng của ngành điện nói chung, CTCP Quản lý, kinh doanh điện Thanh Hóa nói riêng” - ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Đức, chia sẻ. Tình hình kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng, ông Bình đề nghị “Công ty tiếp tục quan tâm, có kế hoạch đầu tư, lắp đặt thêm TBA; nâng cấp, cải tạo tuyến đường dây nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Chính phủ và ngành điện cần nghiên cứu để có thể giảm giá điện cho người dân”.

Đến thăm tổ quản lý điện xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, anh Nguyễn Văn Cường - tổ trưởng tổ quản lý điện xã Tùng Lâm chia sẻ: “Trên địa bàn xã Tùng Lâm, công ty đã đầu tư xây mới 3 TBA; thay thế dây trần; di chuyển, thay thế cột không đảm bảo chất lượng; cân pha san tải, điều tiết phụ tải giữa các TBA... Từ khi công ty tiếp nhận lưới điện, người dân được mua điện theo đúng giá quy định của Nhà nước, được hưởng các dịch vụ cung cấp điện tốt”.

Dự kiến năm 2024, CTCP XLĐL đầu tư xây dựng trên 50 TBA để chống quá tải cho lưới điện khu vực; thay thế dây trần bằng dây bọc, trước mắt tập trung đẩy nhanh tiến độ tại 12 xã công ty quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn huyện Hà Trung. Đến nay, công ty đã đóng điện được 27 TBA; nâng cấp đường rẽ nhánh trong các đường làng, ngõ xóm từ dây 1 pha lên 3 pha; cơ bản hoàn thành việc di chuyển cột điện ra khỏi lòng, lề đường... “Công ty luôn xác định công tác đầu tư - xây dựng mới TBA cho các xã thiếu TBA và cải tạo nâng cấp lưới điện hạ thế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả giúp nâng cao chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt của người dân, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công ty mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các địa phương, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng, giúp công ty đầu tư xây dựng cơ bản thuận lợi, đảm bảo đúng tiến độ, nhanh chóng đóng điện phục vụ Nhân dân” - ông Nguyễn Như Triều, Phó giám đốc CTCP Quản lý, kinh doanh điện Thanh Hóa, cho biết.

Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển, công ty luôn nỗ lực, tập trung nhân lực, vật lực để cùng với ngành điện hướng tới mục tiêu cao nhất đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội quê hương, đất nước. Những thành quả cùng những đóng góp quan trọng của CTCP XLĐL TH là minh chứng thuyết phục theo đúng tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, thực tế sinh động để các doanh nghiệp tư nhân hăng hái “nhập cuộc” phát triển ngành năng lượng, nhất là tham gia vào đầu tư hệ thống phân phối điện năng, tiếp tục triển khai sâu rộng hơn nữa Nghị quyết số 55-NQ/TW vào cuộc sống.

Đăng Khoa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te-tu-nhan-tham-gia-xa-hoi-hoa-phat-trien-nganh-nang-luong-cau-chuyen-cua-doanh-nghiep-thanh-hoa-tien-phong-mo-duong-217086.htm