Kinh tế tư nhân - trụ cột mới của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển
Bài viết 'Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng' của Tổng Bí thư Tô Lâm đã mở ra một tầm nhìn chiến lược, góp phần định hình lại tư duy phát triển nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Chia sẻ những góc nhìn chuyên sâu về ý nghĩa của bài viết này trong bối cảnh hiện nay, Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường- Quyền Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đánh giá cao sự khẳng định rõ ràng và dứt khoát về vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng thể nền kinh tế.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh tư liệu (minh họa): Vũ Sinh/TTXVN
Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường đánh giá, trong gần 40 năm Đổi mới, khu vực tư nhân đã chứng minh vai trò không thể thay thế trong việc tạo việc làm, thu hút đầu tư, đóng góp ngân sách và thúc đẩy sáng tạo. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, khu vực này vẫn mong chờ được bình đẳng về thể chế và chính sách. Sự chuyển đổi nhận thức lần này sẽ là nền tảng để tạo ra một khung thể chế cởi mở, bình đẳng và thúc đẩy khu vực tư nhân trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển dài hạn của đất nước.
Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới - những điểm đột phá quan trọng trong tầm nhìn phát triển quốc gia. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá nhờ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó doanh nghiệp tư nhân cần được đặt vào trung tâm của chính sách hỗ trợ vì là lực lượng nhanh nhạy nhất với công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Từ bài viết cho thấy nhận thức mới của Đảng về vai trò của khoa học công nghệ, không chỉ là công cụ hỗ trợ mà đã trở thành nền tảng then chốt quyết định năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Để khu vực tư nhân vươn tầm quốc tế, cần đầu tư mạnh vào giáo dục công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ ghế nhà trường.
Theo Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường, khu vực tư nhân lâu nay vẫn chịu nhiều rào cản vô hình, bắt nguồn từ quan điểm chưa nhất quán về vai trò của các thành phần kinh tế; dù được xác định là động lực quan trọng, nhưng trên thực tế vẫn bị đặt ở thế yếu so với khu vực nhà nước giữ vị trí chủ đạo. Để khối doanh nghiệp này phát triển đúng tiềm năng, cần thúc đẩy cải cách toàn diện, đảm bảo công bằng giữa các khu vực, bảo vệ quyền tài sản, xóa bỏ phân biệt và gỡ bỏ các nút thắt trong tiếp cận đất đai, tín dụng, thông tin và điều kiện kinh doanh.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến nhóm chính sách lớn nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân gồm: Cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền tài sản, phát triển tài chính, đổi mới giáo dục và thúc đẩy kinh tế xanh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường, việc triển khai các chính sách này nên có lộ trình rõ ràng và thứ tự ưu tiên, nhằm bảo đảm tính khả thi và tránh dàn trải nguồn lực. Vì vậy lựa chọn những lĩnh vực có khả năng lan tỏa cao, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế để tập trung triển khai trước. Trong nhóm chính sách về môi trường kinh doanh, nên ưu tiên thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và khối FDI thông qua các chương trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chia sẻ công nghệ và tri thức quản lý. Về tài chính, cần chú trọng vai trò của thị trường vốn mạo hiểm đối với khởi nghiệp sáng tạo và đề xuất xây dựng đội ngũ tư vấn từ các viện nghiên cứu, trường đại học để làm cầu nối giữa tri thức và doanh nghiệp. Chỉ khi khu vực tư nhân được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn, công nghệ, tri thức quản trị và thị trường quốc tế thì mới có thể phát triển mạnh mẽ và giữ vai trò dẫn dắt.
Một nội dung quan trọng khác được nhấn mạnh trong bài viết của Tổng Bí thư là yêu cầu tăng cường khả năng hội nhập sâu rộng và nâng cao năng lực bảo vệ doanh nghiệp trước các rủi ro toàn cầu - nhiệm vụ được xem là không thể tách rời trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng gắn bó chặt chẽ với thế giới. Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện không chỉ đối mặt với những biến động trong nước mà còn chịu ảnh hưởng ngày càng lớn từ các yếu tố bên ngoài như biến đổi khí hậu và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đòi hỏi chính sách quốc gia phải đi trước một bước, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động.
Tiến sỹ Tường nhận định trong bối cảnh đó, Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo và bảo vệ, không chỉ thông qua việc dự báo rủi ro mà còn bằng các giải pháp thiết thực như xây dựng cơ chế bảo hiểm rủi ro thương mại, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững. Ngoài ra, tầm quan trọng của việc phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, gắn với tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, lao động và quản trị. Đây chính là con đường để doanh nghiệp tư nhân không chỉ trụ vững trước sóng gió toàn cầu mà còn đủ sức vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế thế giới.
Tiến sỹ Phí Vĩnh Tường cho rằng thông điệp lớn nhất mà Tổng Bí thư truyền tải không chỉ nằm ở các nhóm chính sách cụ thể, mà còn thể hiện ở khát vọng về một Việt Nam hùng cường với những doanh nghiệp tư nhân đủ tầm vươn ra khu vực và thế giới. Để hiện thực hóa khát vọng đó, cần có sự đồng hành chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, sự kết hợp giữa tư duy cải cách thể chế và hành động cụ thể từ mỗi doanh nhân, mỗi người trẻ mang trong mình tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên.