Kinh tế tuần hoàn - 'Tấm hộ chiếu xanh' giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu
'Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng doanh nghiệp (DN) mà cho cả nền kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của DN, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng là vấn đề không dễ', ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA) khẳng định.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, khảo sát của HUBA với các DN thành viên từ cuối năm 2022 đến nay cho thấy, các DN không đáp ứng rào cản xanh khó tiếp cận đơn hàng, trong khi đó các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường lại không thể nhận thêm đơn hàng bởi đã quá công suất sản xuất.
Nghịch lý này đã và đang gây khó khăn cho không ít DN trong nước. Điều đó cho thấy, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chính là "tấm hộ chiếu xanh" để giúp DN vượt các rào cản, vươn mình mở rộng thị phần xuất khẩu (XK) tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính nhất trên thế giới, cũng như nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa.
Việc phát triển kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng tất yếu nên việc áp dụng kinh tế tuần hoàn đang trở thành một điều kiện để dễ bán hàng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực các DN trong nước vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn và cũng chưa có cơ chế để khuyến khích DN tái sử dụng, nên đã gây lãng phí khối lượng lớn các loại phụ phẩm, thậm chí làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường.
T.S Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia - Bộ NN&PTNT dẫn chứng trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, phụ phẩm từ ngành trồng trọt (thân bắp, thân cây mì, lõi bắp, vỏ củ mì, vỏ tấu, vỏ lạc, vỏ đậu tương…) có khối lượng lớn nhất trong tổng lượng phế phụ phẩm của ngành nông nghiệp. Hàng năm phần sinh khối phụ có thể cung cấp tương đương 43,4 triệu tấn hữu cơ, 5,77 triệu tấn đạm urê, supe lân đơn và cali sulfat. Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng.
Với lĩnh vực thủy sản, phụ phẩm từ chế biến thủy sản có gần 1 triệu tấn (chiếm khoảng 15-20% tổng sản lượng thủy sản chế biến) và hầu hết các loại phụ phẩm không bỏ thứ gì. Khi chế biến phụ phẩm sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như collagen, một số thực phẩm ăn liền… Tuy nhiên, hiện nay ngành chế biến phụ phẩm thủy sản chỉ mới khai thác khoảng 275 triệu USD (năm 2020). Nếu khai thác hết gần 1 triệu tấn phụ phẩm bằng các công nghệ cao thì có thể thu về tới 4-5 tỷ USD.
Thực tế cũng cho thấy, đã có một số mô hình áp dụng kinh tế tuần hoàn cũng mang lại giá trị cao như: Mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị có hiệu quả kinh tế cao hơn 12,8% so với sản xuất lúa thông thường; mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, mặc dù năng suất thấp hơn sản xuất thông thường 20-30% nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn 10-15%; mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, thực hiện trên diện tích chè Shan vùng cao tạo ra sản phẩm có chất lượng cao với giá thu mua búp chè 10.000-12.000 đồng/kg, cao hơn đại trà từ 3.000-4.500 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao hơn ngoài mô hình 20-25%...
Như vậy, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, giá trị cao cho DN trong sản xuất, XK và tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, trên thực tế thì chưa có nhiều DN áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn do nhiều nguyên nhân.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn T&T Group chia sẻ, để làm kinh tế tuần hoàn thì DN tự nghĩ ra chứ chưa được cơ quan chức năng nào hướng dẫn. DN đầu tư nhà máy để sản xuất, XK trái dừa vào thị trường Mỹ, vỏ dừa, xơ dừa bỏ ra số lượng lớn, nên DN đã nghĩ đến việc đầu tư nhà máy để "giải quyết" các loại phụ phẩm này làm phân bón, và DN cũng thu được lợi nhuận từ các loại phụ phẩm của dừa.
Tuy nhiên, để phát triển được nhiều DN áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, cần phải có tiêu chí, có luật, nghĩa là khi DN đầu tư cho kinh tế tuần hoàn thì DN được vay hạn mức tín dụng như thế nào, được ưu đãi thế nào về đất đai...
"Hiện nay, các thị trường NK rau quả khó tính nhất của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc… đang hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. Đây là xu hướng tương lai. Tuy nhiên, hiện nay các nhà NK chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng, nhưng DN Việt muốn phát triển XK, phải đầu tư ngay chứ không đợi khi họ ra luật thì lúc đó mình làm sẽ chậm, mất cơ hội XK. Đơn cử như quy định cà phê không được trồng trên đất rừng. Khi họ ra tiêu chuẩn này mình phải đáp ứng ngay chứ không phải đi chứng minh mất thời gian, gián đoạn cơ hội XK", ông Tùng nói.
Quyết định 150/QĐ-TTg về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cũng thể hiện rõ: Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với 2020. Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện môi trường.
T.S Hạ Thúy Hạnh cho rằng, về cơ chế chính sách hiện nay thì nông nghiệp tuần hoàn hiện chưa có nghị định. Trong tháng 7 tới, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định 57 được sửa đổi, trong đó có ưu tiên các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với những chỉ số quan trọng, ví dụ như chỉ số ưu tiên quy hoạch vùng nguyên liệu, về vấn đề tỷ lệ lao động, vấn đề về chỉ số phát thải carbon… đó là những tiêu chí bắt buộc mà chúng ta đang tiếp cận dần các tiêu chí của quốc tế hiện nay trong vấn đề XK sản phẩm.