Kinh tế Việt Nam bứt tốc, khu vực nào đóng góp chính?

Kinh tế Việt Nam đang tăng tốc, vượt so với các dự báo trước đó. Khu vực dịch vụ được dự báo là điểm sáng của nền kinh tế từ nay đến cuối năm khi thời gian qua tăng 6,64%. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế đánh giá động lực cho tăng trưởng còn đến từ FDI, xuất khẩu và sản xuất.

Theo dự báo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao nhất trong số các nước ASEAN vào năm 2024.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định khu vực dịch vụ được dự báo là điểm sáng của nền kinh tế từ nay đến cuối năm khi thời gian qua tăng 6,64%, đóng góp đến gần một nửa tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm. Nhu cầu nội địa tăng, chi tiêu được cải thiện và khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ cũng tạo ra cú hích cho tổng cầu của nền kinh tế.

Nhìn chung các doanh nghiệp và nhà đầu tư lạc quan về nền tảng cho tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Theo đánh giá của bà Yun Liu, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho biết: "Du lịch Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng cả doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và số lượng khách. Điều này góp phần vào mức tăng trưởng xuất siêu dịch vụ du lịch. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng các loại hình dịch vụ cạnh tranh với các quốc gia ASEAN".

Ngoài lĩnh vực dịch vụ, thêm một thông tin tích cực dự báo với kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm đó là dự đoán Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất 1-2 lần từ giờ đến cuối năm (tháng 9 và tháng 12). Lần đầu tiên kỳ vọng sẽ giảm 25 điểm %. Khi FED giảm lãi suất thì sẽ giảm áp lực tỷ giá lên Việt Nam, có thể kỳ vọng rằng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục quay lại với Việt Nam. Những chỉ số như GDP và chỉ số việc làm cũng sẽ tốt hơn, từ đó sẽ tác động tích cực đến hoạt động đầu tư của các định chế tài chính trong các lĩnh vực khác nhau.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Ngân hàng đầu tư Maybank nhận định: "Nhìn vào nửa cuối năm, chúng tôi cho rằng động lực từ xuất khẩu từ FDI và sản xuất tiếp tục là động lực chính. Đơn hàng xuất khẩu vẫn rất mạnh trong nửa đầu năm nay, dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định như vậy trong nửa cuối năm. Chúng ta cũng thấy rằng FDI vào Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm và đà tăng này sẽ tiếp tục được duy trì do sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp diễn".

Nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhận định Kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận các chỉ số tích cực, từ đó giúp đem lại triển vọng khả quan trong nửa cuối năm nay và trong dài hạn. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được củng cố.

Điển hình trong báo cáo mới nhất từ Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tái khẳng định sự lạc quan với triển vọng dài hạn của Việt Nam. 70% doanh nghiệp tiếp tục tỏ ra lạc quan về tăng trưởng kinh tế của đất nước trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện bất ổn địa chính trị, nguyên vật liệu, giá cước vận tải thế giới biến động mạnh, lãi suất cao đang tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu và khu vực, nhất là các nền kinh tế có độ mở như Việt Nam. Như vậy chi phí cho sản xuất và tiêu dùng có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm, đòi hỏi sự chủ động và linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: "Ngân hàng Nhà nước đang duy trì chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt cân bằng giữa việc vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát. Nhưng hiện không còn nhiều dư địa, nên chính sách tài khóa phải thể hiện vai trò kích cầu sản xuất, kinh doanh, chi tiêu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Làm sao để thấy được tác động của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cùng song hành và tác động lan tỏa".

Đại diện Citibank cho rằng, với tốc độ tăng GDP tăng cao ở mức 6,42% sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước giải tỏa rất nhiều trong việc bơm vốn nhiều và giá phải rẻ để kích tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng gần đây đã chuyển biến tích cực, vượt 6% trong sáu tháng đầu năm và dự báo sẽ vượt 15-16% cho cả năm.

Đây là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước quay lại mục tiêu ban đầu đó là kiểm soát tỷ giá, kiềm chế lạm phát. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II/2024 tăng 4,39%, 6 tháng đầu năm tăng 4,08%.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, lưu ý các biện pháp tiền tệ dù chưa thật bền vững nhưng dần cho thấy tác động tích cực nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về khả năng kiểm soát kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Điều này đúng như kế hoạch đã được Quốc hội phê chuẩn đó là lạm phát dưới 4,5%, tiền đồng mất giá dưới 5% và thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa tiếp tục được cải thiện, đặc biệt là thu ngân sách vẫn tăng. Thâm hụt ngân sách vẫn được đảm bảo như mức Quốc hội đã phê chuẩn và tỷ lệ nợ công trên GDP khá ổn định, kỷ cương kỷ luật tài chính có chuyển biến tích cực.

Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm có nhiều gam màu sáng, nhưng để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%-7% cả năm 2024, Chính phủ và các cơ quan liên quan vẫn còn nhiều việc phải làm để hóa giải khó khăn, kích thích các động lực tăng trưởng.

Các tổ chức quốc tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay khả thi nhưng vẫn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của kinh tế toàn cầu. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công giúp củng cố các động lực xuất nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư tư nhân, cùng với đó cần thúc đẩy các động lực mới như trí tuệ nhân tạo, số hóa, kinh tế xanh. Đây sẽ là những lĩnh vực tạo ra dư địa cho tăng trưởng dài hạn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kinh-te-viet-nam-but-toc-khu-vuc-nao-dong-gop-chinh-1101318.html