Kinh tế Việt Nam có triển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ

Mới đây Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng từ 'Tích cực'.

Cơ sở tổ chức Fitch Ratings khẳng định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh các chỉ số tài chính đối ngoại vững chắc so với các nước cùng xếp hạng, triển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp và hiệu ứng lan tỏa của xung đột địa chính trị gần đây đối với kinh tế toàn cầu.

Fitch Ratings ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế nhờ vào chính sách linh hoạt của Chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch và tốc độ bao phủ vắc xin nhanh chóng. Fitch đánh giá Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022.

Theo dự báo của Fitch, tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI. Fitch ghi nhận việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhờ vào thành công của Việt Nam trong việc ổn định nợ công, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, dự trữ ngoại hối được bồi đắp trong thời gian qua đang đạt mức cao kỷ lục, tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Fitch Ratings dự báo các nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao, giảm chênh lệch GDP bình quân đầu người so với các nước cùng xếp hạng với Việt Nam, cải thiện hơn nữa tài chính công thông qua củng cố tài khóa bền vững, mở rộng cơ sở thu và ổn định nợ trong trung hạn, khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng về vốn hóa, minh bạch về chất lượng tài sản và khuôn khổ pháp lý sẽ là những yếu tố tích cực giúp cải thiện hơn nữa xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong thời gian tới.

Việc tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức BB, triển vọng “Tích cực” trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều biến động và thách thức là kết quả của việc triển khai tích cực các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng cũng như thành quả kiểm soát đại dịch để ổn định đời sống, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam.

Phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”

Ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 412/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”. Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.

Đề án cũng đặt mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP...

Một trong các giải pháp chủ yếu của Đề án là xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa. Đồng thời đẩy mạnh tiến độ xử lý các tài sản có vấn đề/nợ xấu còn lại, cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/kinh-te-viet-nam-co-trien-vong-phuc-hoi-tang-truong-manh-me-87845.htm