Kinh tế Việt Nam: Khép lại năm 'vượt bão' thành công, chờ đợi sức bật mới

Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 để lại những tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu.

Đây là đánh giá của truyền thông quốc tế sau khi Chính phủ Việt Nam mới đây công bố các số liệu chính thức về tình hình tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Theo đó, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91% nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.

Kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020, cao hơn dự đoán của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 10/2020. (Nguồn: VGP)

Kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020, cao hơn dự đoán của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 10/2020. (Nguồn: VGP)

Tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020

Báo Sputnik (Nga) trích lời Giáo sư Vladimir Mazyrin, chuyên gia Nga hàng đầu về kinh tế Việt Nam, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, đánh giá con số 2,91% là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng ít nhất 3 thập kỷ qua song thực là là "một thành công lớn", chắc chắn sẽ giúp Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong tất cả các bảng xếp hạng thế giới thời gian tới.

Điều quan trọng nữa là Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc một cách ấn tượng dù nước này cũng đang có mức tăng trưởng dương 1%.

Kênh truyền hình BBC (Anh) nêu rõ mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là cao hơn so với dự đoán của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong khi đó, nhật báo Business Times (Singapore) và hãng tin Reuters (Anh) chung nhận định rằng những biện pháp cách ly và truy vết nghiêm ngặt đã giúp Việt Nam nhanh chóng khống chế các đợt bùng phát dịch Covid-19, đưa hoạt động kinh tế phục hồi trở lại nhanh hơn so với nhiều nước châu Á khác.

Còn theo trang tin tức Dailymail.co.uk (Anh), từ lâu nay Việt Nam đã nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Nhiều hoạt động kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do dịch Covid-19.

Việc kiểm dịch hàng loạt, theo dõi tiếp xúc trên diện rộng và siết chặt kiểm soát đi lại đã cho phép các nhà máy duy trì hoạt động và người dân nhanh chóng trở lại công việc.

Hồi đầu tháng 10 năm nay, WB dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và sẽ phục hồi kinh tế vào năm 2021 nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn cầu.

Hồi phục trong năm 2021

Theo bài viết trên tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) ngày 29/12, trong năm 2021, 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á dự kiến sẽ biến động theo các quỹ đạo khác nhau, trong đó Việt Nam, Indonesia và Malaysia sẽ phục hồi lên mức trước đại dịch, trong khi Singapore, Philippines và Thái Lan sẽ phải vật lộn để quay lại quỹ đạo tăng trưởng.

Nikkei đã tổng hợp các dự báo của IMF về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của mỗi quốc gia, và lấy số liệu năm 2019 làm cơ sở, tương ứng với 100 điểm. Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều đạt điểm trên 100 trong năm 2021 - có nghĩa là trong năm tới, GDP thực tế của các nền kinh tế này sẽ tăng cao hơn so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2019.

Việt Nam sẽ dẫn đầu nhóm 6 nền kinh tế, với điểm tăng trưởng được dự báo vào khoảng 108,4. S&P Global dự đoán GDP thực tế của Việt Nam sẽ tăng 10,9% trong năm 2021, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi tăng 2,91% trong năm nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong 6 nước có GDP thực tế tăng trưởng trong năm 2020 nhờ nhanh chóng kiềm chế dịch Covid-19. Ban lãnh đạo Việt Nam cũng thúc đẩy nhu cầu một cách hiệu quả thông qua các dự án đầu tư công được thực hiện trước thềm Đại hội Đảng.

Cũng như các nước, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những bất trắc do dịch bệnh và chính quyền sắp tới ở Mỹ, song theo chuyên gia Yuta Tsukada của Viện Nghiên cứu Nhật Bản, “nhiều công ty trên thế giới đang đổ xô tới Việt Nam, và điều đó có lợi cho hoạt động xuất khẩu của nước này”.

Do chi phí sản xuất ở Việt Nam thấp nên ngày càng nhiều công ty sẽ chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang nước này nếu cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp tục.

Theo chuyên gia Yuta Tsukada, chi phí sản xuất ở Việt Nam thấp nên ngày càng nhiều công ty sẽ chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang nước này nếu cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp tục. (Nguồn: TTXVN)

Theo chuyên gia Yuta Tsukada, chi phí sản xuất ở Việt Nam thấp nên ngày càng nhiều công ty sẽ chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang nước này nếu cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp tục. (Nguồn: TTXVN)

Xếp hạng 19 thế giới vào năm 2035?

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh mới đây đã công bố báo cáo thường niên về 193 nền kinh tế, trong đó, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035.

Cụ thể, CEBR dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025, 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Hai nền kinh tế này được CEBR dự báo có thứ hạng lần lượt là 21 và 25.

Báo cáo của CEBR khẳng định nhờ kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn các nơi khác trên thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt mức dương, đạt mức 2,91% và thuộc nhóm cao nhất thế giới.

CEBR cho biết có 25 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các phân tích và dự báo kinh tế độc lập với độ chính xác cao cho hàng trăm công ty tư nhân cũng như các tổ chức công.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-khep-lai-nam-vuot-bao-thanh-cong-cho-doi-suc-bat-moi-133053.html