Kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng tốt với nguồn năng lượng mới
Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng rất tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, bất chấp tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang có những tổn thương, sức chống chịu có dấu hiệu yếu dần.
Giải pháp nào để nền kinh tế vượt qua khó khăn này? Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã phỏng vấn TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Ưu tiên hỗ trợ các trụ cột tăng trưởng
+ Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế từ đầu năm đến nay?
- Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam ở mức 5,64% có thể coi là một thành tích. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần phải suy xét thấu đáo.
Một là, thực chất của tăng trưởng là thế nào khi mà doanh nghiệp Việt trong nhiều lĩnh vực, từ du lịch, hàng không, giao thông, vận tải.... cứ yếu dần. Hệ lụy của động cơ tăng trưởng dựa quá nhiều, quá lâu vào khu vực FDI, vào công nghiệp gắn với xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng rõ nét.
Hai là, nông nghiệp dù đang được tôn vinh là bệ đỡ tăng trưởng, nhưng với mức đóng góp khoảng hơn 10% trong GDP không thể bù đắp cho sự sút giảm của dịch vụ, công nghiệp.
Ba là, các trung tâm tăng trưởng đều trong trạng thái bấp bênh, từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh. Nếu không giữ được sự thông suốt của các cực tăng trưởng, không bảo vệ được những điểm sáng như Quảng Ninh, Hải Phòng..., thách thức sẽ gia tăng.
Bốn là, việc giãn nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp trong năm qua đang ẩn chứa bất ổn trong cả hoạt động của doanh nghiệp và cấu trúc của hệ thống ngân hàng.
Lạm phát mặc dù có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 5 năm trở lại đây nhưng đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay thì tác động của mức tăng 1,47% của lạm phát sáu tháng tới các chủ thể của nền kinh tế không thể giống như những năm trước Covid-19.
TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Vì sức khỏe của nền kinh tế và của doanh nghiệp đã khác. Vậy thì tiếp tục kiềm chế lạm phát thấp hay chủ động nới lỏng để tạo động lực cho tăng trưởng mới?.
Đây là những vấn đề đang đặt ra cho công tác điều hành của Chính phủ.
+ Các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến nhanh, phức tạp. Theo ông, có những hướng đi nào sáng sủa cho các doanh nghiệp trong giai đoạn quá khó khăn này? Ngoài gói 26.000 tỷ đồng, Chính phủ có thể hỗ trợ thế nào nữa cho các doanh nghiệp?
- Điều tôi cảm thấy lo ngại là mỗi khi nói đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều người hay đặt câu hỏi là cần bao nhiều tiền và tiền ở đâu. Cách đặt vấn đề như vậy sẽ đóng ngay lại mọi cánh cửa vừa mới mở ra. Tôi cho rằng, quan trọng là cách làm.
Nguyên tắc tiếp cận của các giải pháp phải là vì nền kinh tế, vì lực lượng doanh nghiệp Việt đang cần hậu thuẫn để vươn lên chứ không phải là từng doanh nghiệp riêng lẻ.
Phải chấp nhận một thực tế là sẽ không đủ nguồn lực để cứu tất cả. Và những doanh nghiệp yếu, không đủ năng lực cạnh tranh, không đủ sức theo kịp xu thế phát triển sẽ phải chấp nhận dừng lại.
Nguồn lực hỗ trợ sẽ ưu tiên cho những doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, ưu tiên doanh nghiệp đầu chuỗi vì họ biết được trong lĩnh vực, ngành hàng của mình có thể hỗ trợ vào đâu để kích hoạt được cả chuỗi. Ở đây cũng phải phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp.
Đặc biệt, lúc này phải dành nguồn lực cho lực lượng doanh nghiệp của tương lai – những doanh nghiệp bắt nhịp nhanh vào quỹ đạo đổi mới sáng tạo của một trật tự thế giới mới.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Chính phủ không có chính sách hỗ trợ chung. Các chính sách giãn, hoãn, giảm các khoản thuế, phí… chính là đã hỗ trợ chung cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng với nguồn lực có hạn thì cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để hình thành các chuỗi giá trị, các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.
Sau mỗi làn sóng Covid-19, doanh nghiệp luôn hào hứng nói về sự phục hồi và trở lại thị trường. Như ngành hàng không, du lịch, khi dịch lắng xuống là ào ào mở lại thị trường nội địa được ngay.
Nhưng thực lực của doanh nghiệp đã yếu đi nhiều kể từ khi chịu thêm cú đòn giáng xuống từ làn sóng Covid-19 lần thứ tư.
Do đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không thể thực hiện chậm như năm ngoái mà phải hiệu quả hơn.
Chiến lược vắc-xin đúng là then chốt
+ Theo ông, chiến lược vắc-xin mà Việt Nam đang thực hiện sẽ có tác động thế nào đến quá trình phục hồi của nền kinh tế?
- Phải thẳng thắn thừa nhận, chúng ta làm rất tốt trong giai đoạn đầu chống dịch, nhưng lại bị chậm khi “thoát” ra.
Lúc này, tốc độ của chiến lược vắc-xin sẽ quyết định tốc độ đứng dậy của nền kinh tế, quyết định tốc độ kết nối trở lại của nền kinh tế Việt Nam ra thế giới và tốc độ đưa thế giới vào Việt Nam.
Chính phủ mới kiện toàn đã có thích ứng nhanh, chuyển từ trạng thái phòng ngự sang tấn công với chiến lược vắc-xin. Thể hiện rõ nhất là việc đặt trọng tâm mở rộng kênh tìm kiếm nguồn cung vắc-xin, thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước, đi cùng với đó các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận vắc-xin.
Thông điệp chính sách rất rõ ràng, đó là chọn chính sách ưu tiên để tập trung nguồn lực và yêu cầu cá nhân hóa trách nhiệm với hiệu quả công việc, thay vì ỷ vào trách nhiệm tập thể.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ tháng 4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động và tập trung xử lý công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, thực chất.
Thủ tướng cũng đã nói đến cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…
Nền kinh tế đang cần cơ chế này phủ rộng hơn, đó là bảo vệ, khuyến khích những tư duy, chính sách khác thường để giải bài toán trong bối cảnh bất thường; khuyến khích ý tưởng, đổi mới, sáng tạo, kích thích động cơ mới của nền kinh tế...
Mục tiêu cuối cùng để nền kinh tế không chỉ đứng lên mà còn có được dòng máu mới năng động hơn, trẻ trung hơn.
+ Theo ông, Việt Nam còn có cơ hội gì để duy trì nhịp độ phát triển kinh tế trong tương quan với các nước?
- Nhìn ra thế giới, những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 lại chính là những nơi gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh trong năm 2020, như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ…
Các cường quốc này “thoát” ra khỏi đại dịch Covid-19 không chỉ nhờ sớm thực hiện tiêm chủng diện rộng để đạt được miễn dịch cộng đồng mà còn nhạy bén bắt đúng “mạch” phát triển của một cấu trúc kinh tế mới.
Đó là đi đầu về công nghệ, về chuyển đổi sang nền kinh tế số. Có thể thấy rất rõ trong sự điêu tàn của kinh tế truyền thống, kinh tế vật lý trong năm 2020 là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tỷ phú công nghệ trên thế giới, là trạng thái “bình thường mới” khi cả thế giới đóng cửa, nhưng cuộc sống vẫn vận hành.
Đây là lý do mà giới nghiên cứu cho rằng, năm 2020 có thể chính là điểm chuyển của thế giới sang nền kinh tế số, sang trạng thái toàn cầu mới.
Chính trong lúc này, bài toán về tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam không thể chỉ là làm sao đạt được mục tiêu, mà là nhận diện rõ thực trạng, làm rõ động cơ tăng tưởng mới đang chiếm bao nhiêu, có cơ hội tăng lên nhanh không hay vẫn là những động cơ đã làm nên tăng trưởng của nền kinh tế suốt 30 năm qua…
Đặt vấn đề như vậy để nói rằng, bây giờ không phải là lúc bàn về thúc đẩy tăng trưởng một cách đơn thuần mà phải làm rõ nguyên tắc, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ các trụ cột của nền kinh tế, để có các quyết sách thực tế, kịp thời.
Chỉ khi doanh nghiệp được hỗ trợ để tham gia vào các chuỗi sản xuất; các chuỗi sản xuất hiện hữu được hỗ trợ để duy trì, thúc đẩy kết nối với thế giới; chỉ khi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ… được hỗ trợ để tìm kiếm cơ hội, giải pháp phát triển theo đúng xu thế phát triển của kinh tế số, thì khi đó, nền kinh tế mới thực sự đứng dậy bằng thực lực, cùng với thế giới.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hữu Phương (Thực hiện)