Kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình (kỳ I): Viết tiếp hành trình ghi dấu ấn với thế giới bằng công cuộc 'đổi mới lần thứ hai'
Hành trình ghi dấu ấn với thế giới của Việt Nam - có vẻ như - vẫn chưa kết thúc! Việt Nam có thể tiến một bước quan trọng, trở thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2045.
Với thế và lực sau gần 40 năm đổi mới mà Việt Nam đã tích lũy được, hiện tại là thời điểm chín muồi để đất nước, dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Đây cũng là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Về vấn đề này, phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam đã có buổi trò chuyện với GS.TS. Andreas Stoffers tại Đại học Khoa học ứng dụng kinh tế và quản lý (FOM), một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế, lịch sử Việt Nam, người coi đất nước hình chữ S là quê hương thứ hai và có tình cảm đặc biệt với mảnh đất này.
Sau 38 năm (1986-2024) thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; đồng thời, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, ông đánh giá về hành trình 38 năm qua của đất nước?
Hành trình gần 40 năm của Việt Nam quả thực rất ấn tượng. Từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới, Việt Nam đã phát triển thành một cường quốc kinh tế và sẵn sàng trở thành một nước công nghiệp hóa trong vòng hai thập niên tới.
Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng khá cao, liên tục và bao trùm, đại đa số người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Đặc biệt, chỉ trong giai đoạn năm 1993-2024, tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam đã giảm mạnh. Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 12/2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn dưới 1,9%.
Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.
Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%. Từ năm 1991-2019, tăng trưởng GDP dao động trong khoảng từ 4.8-9.5%.
Trong gia đoạn Covid-19, khác với nhiều quốc gia, GDP của Việt Nam vẫn có sự phát triển tích cực, đạt mức 2,91% và 2,58% lần lượt trong các năm 2020 và 2021. Sau khi nhanh chóng phục hồi năm 2022 (tăng trưởng 8,02%), GDP năm 2023 đạt 5,05%, là mức cao trên thế giới và khu vực.
Thời gian qua, một sự chuyển mình ấn tượng nhất của Việt Nam chính là sáng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh gọn bộ máy hành chính. Tôi tin, đây sẽ là chìa khóa cho sự phát triển của đất nước, trong đó có mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa và xây dựng hệ thống tài chính xanh vững mạnh.
Nói về công cuộc đổi mới năm 1986 của Việt Nam, hầu hết các nhà quan sát nước ngoài cho rằng, những cải cách hầu như diễn ra chỉ sau một đêm và sự trỗi dậy nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu ngay sau đó.
Nhưng với tư cách là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, tôi có thể khẳng định rằng, các hoạt động kinh tế thị trường đầu tiên đã diễn ra ở cấp cơ sở trước năm 1986. Đó là công lao của các nhà lãnh đạo. Sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, người dân đã bắt đầu chuyển sang cải cách.
Tôi phải nhấn mạnh rằng, thành công không đến một cách tự nhiên.
Trên thực tế, lạm phát ban đầu đã đạt đến đỉnh cao sau đổi mới, như tôi đã viết trong cuốn sách “Đánh bại lạm phát”, xuất bản bởi Nhà xuất bản Phụ Nữ năm 2024. Tuy nhiên, cải cách kinh tế thị trường đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những thập niên sau đó, được hỗ trợ bởi việc bình thường hóa quan hệ thương mại với Mỹ và sự phát triển của nền kinh tế.
Năm 2024, bất chấp hậu quả nghiêm trọng của cơn bão Yagi tàn khốc vào tháng 9, hành động quyết đoán của Chính phủ Việt Nam đã hạn chế tác động của cơn bão lớn nhất lịch sử này đến tăng trưởng kinh tế. Số liệu từ Tổng cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chứng minh điều đó. Ước tính năm 2024, GDP tăng 7,09%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong ASEAN.
Và điều đặc biệt hấp dẫn là hành trình ghi dấu ấn với thế giới của Việt Nam - có vẻ như - vẫn chưa kết thúc!
Trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương thế hệ mới. Ông hãy điểm qua những điểm sáng của nền kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam? Điều gì khiến ông ấn tượng nhất?
Trong báo cáo thường niên về Chỉ số tự do kinh tế 2024 của Quỹ Di sản (Heritage Foundation - Mỹ), năm 2024, Việt Nam được xếp vào loại “quốc gia có mức độ tự do vừa phải” và xếp thứ 59/179 quốc gia.
Thoạt nhìn, thứ hạng này có vẻ không có gì đặc biệt, nhất là khi so sánh với các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ (đứng thứ 25). Thế nhưng, điều đáng chú ý là kể từ khi báo cáo được công bố cách đây 30 năm, không có quốc gia nào có quy mô tương đương (ngoại trừ Ba Lan) ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn Việt Nam. Đất nước hình chữ S đã tăng tới 13 bậc chỉ trong một năm (từ năm 2023 đến năm 2024).
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động và mang lại những cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới, Việt Nam đã phát triển thành một cường quốc kinh tế và sẵn sàng trở thành một nước công nghiệp hóa trong vòng hai thập niên tới.
Trong năm 2024, tôi nhìn nhận, chính sách kinh tế của Việt Nam có đặc điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn, góp phần giữ vững độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia trong hội nhập quốc tế (đơn cử như "ngoại giao cây tre").
Thứ hai, sự cởi mở đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới.
Thứ ba, cam kết rõ ràng về thương mại tự do và hội nhập qua hệ thống các FTA rộng lớn, với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ tư, tỷ lệ nợ ngân sách nhà nước cân đối, dễ quản lý.
Thứ năm, tỷ lệ chi tiêu công trên GDP khoảng 21%.
Song song với đó, xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế trong năm 2024. Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại thặng dư 24,77 tỷ USD. Đây là số kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Có được kết quả đó là nhờ việc đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế, khai mở thị trường, giúp doanh nghiệp kết nối với nhiều đối tác quốc tế.
Dấu ấn nổi bật trong năm qua trong hội nhập quốc tế của đất nước là việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam-Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục, chỉ trong vòng 16 tháng. Việt Nam đã khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi và thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo…?
Tôi xin phép điểm qua những con số trong lĩnh vực tài chính xanh - lĩnh vực nói lên rất rõ sự chuyển mình của Việt Nam:
Giai đoạn năm 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm.
Tính đến ngày 31/3/2024, 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Đến ngày 31/12/2023, phần lớn tín dụng xanh tập trung vào năng lượng tái tạo (45%) và nông nghiệp xanh (30%).
Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng đều qua các năm, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Các khoản cho vay đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, đạt 2,9 triệu tỷ đồng (113,9 tỷ USD), tương đương hơn 21% tổng dư nợ - ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến tháng 9/2024.
Theo quan điểm của tôi, tài chính xanh chưa được xem là một phần của cuộc sống hàng ngày trong ngành tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tiến bộ có thể được công nhận.
Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận tầm quan trọng của số hóa đối với đất nước và có sự chuẩn bị cho thế kỷ XXI. Chính phủ đã đưa ra nhiều chiến lược quan trọng như: Phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (ngày 9/10/2024) hay ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ngày 22/10/2024).
Gần đây, kế hoạch đưa các nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động sản xuất, giúp ổn định năng lượng là quyết định vô cùng phù hợp.
Là một quốc gia công nghiệp hóa, Việt Nam cần nguồn cung cấp năng lượng an toàn và đáng tin cậy. Đất nước sẽ không thể đạt được điều này chỉ từ năng lượng Mặt trời và gió. Năng lượng hạt nhân sẽ giúp “lấp đầy khoảng trống”, bảo đảm an ninh năng lượng ổn định tại đất nước hình chữ S.
Điều quan trọng bây giờ là Việt Nam cần biến lời nói thành hành động. Số hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển thành phố thông minh và tài chính xanh tại đất nước chỉ mới bắt đầu được triển khai và chắc chắn sẽ cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia khoa học, kinh doanh cả trong, ngoài nước.
Thời gian qua, sự chuyển mình ấn tượng nhất của Việt Nam chính là sáng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh gọn bộ máy hành chính. Tôi tin, đây sẽ là chìa khóa cho sự phát triển của đất nước, trong đó có mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa và xây dựng hệ thống tài chính xanh vững mạnh.
Ở điểm này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, thông điệp, tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm đang giúp Việt Nam đi đúng hướng.
Những thay đổi cơ cấu quan trọng này có nghĩa là Việt Nam có thể và sẽ tiến một bước quan trọng, trở thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2045 - một công cuộc tôi xin mạn phép gọi là “đổi mới lần thứ hai”.
Xin cảm ơn ông!
Mời độc giả đón đọc kỳ II: Gom góp đủ “tài sản” lớn, tự tin vươn mình