Kinh tế Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý
Năm 2024, dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ bên ngoài, song Việt Nam vẫn đạt được những kết quả hết sức tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, vẫn còn có một số vấn đề cần lưu ý.
Đạt nhiều kết quả tích cực
Tình hình thế giới và khu vực năm 2024 tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều yếu tố rủi ro, bất định, diễn biến mới phát sinh vượt ngoài khả năng dự báo, đe dọa đến an ninh, ổn định toàn cầu. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kinh tế thế giới trong tháng 11 và 11 tháng năm 2024 vẫn duy trì xu hướng phục hồi khá, song không đồng đều.
Tại Mỹ, kinh tế tăng trưởng 2,8% trong quý III/2024 do chi tiêu dịch vụ và nhu cầu lao động vẫn mạnh. Tại châu Âu, kinh tế tiếp tục phục hồi chậm do sự suy giảm của ngành công nghiệp ở Đức. Tăng trưởng Trung Quốc đang ở mức dưới mục tiêu 5% khi nước này liên tục áp dụng các chính sách mới nhằm kích thích cầu tiêu dùng trong nước và thị trường bất động sản. Tại Nhật Bản, nền kinh tế tăng trưởng 0,9% trong quý III/2024, thấp hơn so mức tăng trưởng 2,2% đã điều chỉnh của quý II/2024, nhưng cao hơn mức kỳ vọng của thị trường là 0,7%.
Đối với Việt Nam, dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ bên ngoài, song kết quả kinh tế - xã hội đạt được rất tích cực, thể hiện rõ nét dấu ấn công tác điều hành của Chính phủ.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 30/11/2024, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD. Trong đó, một số mặt hàng nhập khẩu có thuế đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng mạnh, tác động làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.
Về thu ngân sách, số liệu của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 11 tháng năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.506,5 nghìn tỷ đồng, bằng 104,3% dự toán, tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2023; không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 105,9% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2023.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực nhờ cầu phục hồi vào cuối năm. Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Trong đó, ngành Chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 8,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành Sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm...
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế, chất lượng tăng trưởng chưa cao
Bên cạnh các kết quả đạt được, theo Báo cáo thẩm tra kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nước ta còn đối mặt một số khó khăn, thách thức. Quy mô, sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; chất lượng tăng trưởng chưa cao, mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.
Đồng thời, những động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống đến từ tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) chưa được cải thiện mạnh mẽ, khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, môi trường tài chính, hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng và thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Năng lực cung ứng vốn cho nền kinh tế còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng trong khi thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn; hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu.
Báo cáo Tài chính - kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng năm 2024 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng, một số bất cập, hạn chế tích tụ của nền kinh tế trong nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để. Thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm ngập mặn, biến đổi khí hậu vẫn là những rủi ro thường trực, đặc biệt, cơn bão số 3 Yagi đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong vùng bị ảnh hưởng và có thể tác động tiêu cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta.
Một số vấn đề lưu ý
Mặc dù, nền kinh tế Việt Nam trong hơn 11 tháng qua đã có nhiều kết quả tịch cực, song theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cần lưu ý một số vấn đề:
Thứ nhất, mức tăng trưởng tiêu dùng trong nước vẫn thấp hơn mức bình quân trước đại dịch COVID-19, người tiêu dùng vẫn cẩn trọng trong chi tiêu do tâm lý lo ngại biến động kinh tế.
Thứ hai, rủi ro có thể bị áp thuế cao hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Trump do thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam và xu hướng FDI ngày càng tăng của Trung Quốc vào Việt Nam gây lo ngại về việc Mỹ có thể gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ ba, mặc dù chỉ số PMI sản xuất vẫn duy trì trên ngưỡng 50 điểm (Chỉ số PMI sản xuất giảm nhẹ xuống 50,8 điểm trong tháng 11/2024 so với mức 51,2 điểm của tháng trước) nhưng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại, các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng lao động giảm và chuỗi cung ứng gián đoạn.
Thứ tư, hoạt động doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, mặc dù các dấu hiệu hồi phục ngày càng rõ nét hơn nhờ môi trường quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi.
Thứ năm, giải ngân vốn đầu tư công không đạt kỳ vọng, áp lực giải ngân cho thời gian còn lại là rất lớn. Ước giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2024 đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân ước 11 tháng năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Một số địa phương có kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.