Bitcoin có hồi sinh thị trường đồng hồ xa xỉ?
Sự bùng nổ của Bitcoin năm nay đã thắp lên hy vọng khôi phục thị trường đồng hồ vốn ảm đạm suốt 2 năm qua.
Rạng sáng 20/12 (giờ Việt Nam), dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy giá Bitcoin đã xuống mức 95.564 USD. Chỉ trước đó 2 ngày, Bitcoin lập đỉnh mới, cán mốc 108.315 USD, làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của thị trường đồng hồ xa xỉ.
Dù vậy, giá Bitcoin hiện vẫn cao hơn 130% so với đầu năm và tăng gần 50% kể từ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của ông Donald Trump.
Giới chuyên gia nhận định biến động khó lường của thị trường tiền điện tử cùng sự thay đổi trong hành vi của nhà đầu tư khiến tương lai của ngành hàng này vẫn còn bỏ ngỏ, theo Business of Fashion.
Khác với thời kỳ hoàng kim năm 2021, khi giới "nhà giàu tiền số" ồ ạt săn lùng những chiếc Rolex, Patek Philippe hay Richard Mille đắt đỏ, thị trường hiện nay chứng kiến sự tham gia của ngày càng nhiều quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và tổ chức tài chính. Các nhà đầu tư tổ chức này, với tỷ trọng lớn trên thị trường tiền điện tử, thường có xu hướng đầu tư thận trọng và lựa chọn những danh mục tài sản an toàn hơn.
Xu hướng này được tờ The Economist ví von như sự chuyển dịch từ "quần short và áo phông sang quần chinos và áo gilet Patagonia", thể hiện sự thay đổi trong phong cách và lựa chọn tiêu dùng của giới đầu tư tiền số.
Thậm chí, tờ Wall Street Journal còn ghi nhận hiện tượng nhiều nhà đầu tư tổ chức ưa chuộng những chiếc đồng hồ bình dân, thể hiện quan điểm "không cần chứng tỏ bản thân" thông qua việc mua sắm hàng hiệu. Chẳng hạn như Neal W. McDonough, CEO một công ty khởi nghiệp về tài chính và chính sách, dùng chiếc Timex 150 USD có hình minh họa nhân vật hoạt hình Charlie Brown.
Cơ hội hồi sinh thị trường xa xỉ
Theo chuyên gia phân tích Andrea Felsted của Bloomberg, tiền điện tử từng thúc đẩy mạnh mẽ chi tiêu xa xỉ, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường Trung Quốc gặp khó khăn. Hiện tượng này được minh chứng rõ nét qua sự tăng giá mạnh mẽ của đồng hồ đã qua sử dụng.
Giờ đây, khi thị trường xa xỉ toàn cầu đang chững lại, sự bùng nổ của tiền số, đặc biệt là Bitcoin, được kỳ vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới cho ngành hàng này.
Nhiều thương hiệu đang xem xét việc chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, điển hình như các nhãn hàng Hublot, Tag Heuer, Gucci, Balenciaga. Thậm chí, Printemps, cửa hàng bách hóa cao cấp của Pháp, đã tiên phong chấp nhận Bitcoin và Ethereum tại các cửa hàng, mở ra xu hướng mới cho thị trường bán lẻ châu Âu, theo Reuters.
Chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử đang trở thành một cách để các thương hiệu xa xỉ thể hiện sự đổi mới, thoát khỏi hình ảnh "cũ kỹ" và thu hút giới đầu tư trẻ tuổi, theo Andrew O'Neill, chuyên gia phân tích tại S&P Global Ratings.
Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức thanh toán này vẫn mang tính biểu tượng nhiều hơn. Các nhà bán lẻ thường chuyển đổi tiền điện tử sang tiền tệ truyền thống như EUR hay USD để tránh rủi ro, trong khi người mua vẫn ưa chuộng các nền tảng quen thuộc như PayPal hay Venmo.
Dù vậy, với các nhà đầu tư tiền số, việc dùng lợi nhuận từ Bitcoin để mua sắm hàng hiệu là một cách đa dạng hóa danh mục đầu tư hấp dẫn.
Thị trường xa xỉ đón làn sóng tiền điện tử
Nắm bắt xu hướng này, nhiều thương hiệu đã tung ra các sản phẩm kết hợp giữa công nghệ và thời trang. Điển hình là Balenciaga với chiếc ví đựng thẻ bằng da dành riêng cho ví tiền điện tử Ledger Stax.
Ledger cũng không bỏ lỡ cơ hội, tung ra thị trường nhiều dòng ví cứng với thiết kế và giá cả đa dạng, từ Stax màn hình cong cao cấp (399 USD) đến Nano nhỏ gọn (79 USD), phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của giới đầu tư tiền số.
Eunice Wong, nhà đầu tư và người có ảnh hưởng trong lĩnh vực tiền mã hóa với biệt danh "Eunicorn", là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng tài sản kỹ thuật số để mua sắm hàng hiệu. Cô đã dùng tiền điện tử để sở hữu những chiếc đồng hồ cao cấp, trong đó có cả Audemars Piguet Royal Oak.
Tuy nhiên, điều thú vị là Wong không mấy mặn mà với các chiến lược tiếp cận khách hàng của những thương hiệu xa xỉ.
Cô cho rằng việc phải tương tác với nhân viên bán hàng hay trải qua các bước mua sắm truyền thống là quá rườm rà và tốn thời gian. Thay vào đó, Wong ưa chuộng thị trường thứ cấp, nơi cô có thể mua được món hàng mình muốn ngay lập tức.