Kinh tế Việt Nam vượt 'gió ngược'
Chiều 5-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm Kinh tế Việt Nam vượt những 'cơn gió ngược'.
Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu; TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore và ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.
4 điểm sáng tích cực
Đầu Tọa đàm, chia sẻ về tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt được kết quả ấn tượng (4,24%), trong đó quý III đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng: Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ.
Nhấn mạnh 4 “điểm sáng” tích cực trong kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước; nỗ lực vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát; giải ngân đầu tư công và nhiều kết quả tốt về công tác đối ngoại.
Nhìn nhận thêm về nỗ lực đằng sau những con số, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần tính đến nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua chính sách miễn, giảm, gia hạn, kéo dài nghĩa vụ tài chính khoảng 150.000 tỷ đồng.
Ông Phan Đức Hiếu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc hạ lãi suất mang lại kết quả rất lớn. Đặc biệt, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính mà cắt giảm cả chi phí tuân thủ pháp luật.
TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore cho rằng, nhiều nhà nghiên cứu quốc tế có chung nhận định, Việt Nam đang phát triển mạnh với những dấu ấn đổi mới mạnh mẽ trong điều hành của Chính phủ. Các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đều có tâm thế mới sẵn sàng cho tương lai.
Theo ông Shantanu Chakraborty, cần nhìn nhận những điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, tạo ra những "cơn gió ngược", là các nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn…
Trong bối cảnh ấy, dự báo gần đây của ADB cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% năm 2023, dù giảm so với năm 2022 nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận.
“Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra hoàn toàn có thể đạt được”, ông Shantanu Chakraborty nhận định.
Nhận diện những khó khăn còn tiếp diễn
Thứ trưởng Trần Quốc Phương dự báo khó khăn chưa có dấu hiệu giảm hoặc chấm dứt, cần ứng phó thời gian tới như: Bối cảnh vĩ mô toàn cầu chưa sự ổn định; lạm phát toàn cầu và chính sách tài khóa của các nền kinh tế lớn khó đoán định…
Ở trong nước, các doanh nghiệp càng tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu thì càng phải tuân theo tiêu chuẩn thế giới đặt ra, đòi hỏi phải chuyển đổi mô hình quản lý, cách thức sản xuất, kinh doanh, đáp ứng các tiêu chí xanh…
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng đề cập những diễn biến từ bên ngoài, tác động khó lường, khiến chúng ta không được chủ quan, đặc biệt là một số chính sách toàn cầu không có lợi như chính sách thuế các bon đánh vào một số mặt hàng, sản phẩm; cạnh tranh giữa các quốc gia trở nên gay gắt hơn.
Trong khi đó, cải cách thể chế dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng một số vấn đề chưa được giải quyết kịp thời và hiệu quả vì đều là những vấn đề khó như thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu…
Cùng nêu quan điểm về cải cách thể chế, TS Vũ Minh Khương cho rằng, mục tiêu của cải cách thời gian tới không chỉ là cắt bỏ, giản lược thủ tục phiền hà mà phải mang tính “yểm trợ” cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh cho cả hệ thống.
Lạc quan trước cơ hội tăng trưởng
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% cho năm 2023. Nhận định về cơ hội, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, để phấn đấu đạt mức tăng trưởng chung cả năm 6% thì tăng trưởng quý IV phải đạt khoảng 10,3%. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có đột phá.
“Chúng ta có cơ hội để biến kịch bản này thành hiện thực nhưng cần nhìn nhận thách thức rất lớn. ADB cũng dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 gần sát con số này, là 5,8%. Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng này là cần thiết, quan trọng và hợp lý trong giai đoạn hiện nay”, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nêu.
Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng 6% là cần thiết, quan trọng và hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu
“Khả năng phát triển phía trước của Việt Nam là rất sáng khi chúng ta hội tụ đủ điều kiện để cất cánh ngoạn mục. Mức tăng trưởng năm nay có thể không đạt 6% nhưng những năm tới, mục tiêu cao hơn, từ 7-8%, là hoàn toàn có thể”, TS Vũ Minh Khương lạc quan.
Ông Shantanu Chakraborty cho rằng, kịch bản tăng trưởng này khá lạc quan, cũng như niềm tin mà ADB dành cho Việt Nam với dự báo tăng trưởng 5,8%. Tuy nhiên, ông cũng nhận định về nhiều rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát mà Việt Nam phải đối mặt như xung đột địa chính trị của thế giới, lạm phát tăng cao, thắt chặt quản lý tiền tệ của các quốc gia trên thế giới…
“Cần tập trung thúc đẩy tiêu dùng trong nước nằm trong tầm kiểm soát; duy trì được động lực tăng trưởng về tài khóa; tăng tốc độ giải ngân đầu tư công cũng như các giải pháp xanh hóa nền kinh tế, tập trung vào thích ứng biến đổi khí hậu… Các giải pháp này dù chưa đem lại lợi tích tức thì nhưng đem lại lợi ích về lâu dài”, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á nêu ra các giải pháp.
Tốc độ tăng trưởng có thể chỉ đạt 5,6 hoặc 5,7% nhưng vẫn là nền tảng tốt, là tín hiệu tích cực để Việt Nam đạt tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Shantanu Chakraborty
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kinh-te-viet-nam-vuot-gio-nguoc-644155.html