Kinh tế - xã hội Cà Mau 2023 phát triển khá toàn diện

'Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả khả quan, khá toàn diện', ông Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu tại Hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, chiều 8/1.

Tham dự có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải. Đồng chủ trì hội nghị có các Phó chủ tịch UBND tỉnh: Lâm Văn Bi, Lê Văn Sử, Nguyễn Minh Luân.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đề nghị các ngành chuyên môn cần tập trung giải quyết rõ, có kết quả cụ thể từng nội dung trọng tâm, trọng điểm của ngành quản lý trong thời gian nhất định, làm chuyển biến rõ nét trong chỉ đạo, điều hành.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đề nghị các ngành chuyên môn cần tập trung giải quyết rõ, có kết quả cụ thể từng nội dung trọng tâm, trọng điểm của ngành quản lý trong thời gian nhất định, làm chuyển biến rõ nét trong chỉ đạo, điều hành.

Nhiều thành tựu

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện với phương châm hành động “ba có” (Có kỷ cương - Có trách nhiệm - Có hiệu quả) và “ba không” (Không chậm - Không sai - Không sót việc), đã đạt những kết quả tích cực.

Đến cuối năm 2023, qua đánh giá cho thấy, nền kinh tế tỉnh tiếp tục tăng trưởng nhanh, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 cả nước. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 45.471 tỷ đồng, tăng 7,83% so cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (7%). Chất lượng tăng trưởng được đánh giá cao, với GRDP bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng, tăng 13% so cùng kỳ; tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ.

Năm 2023, Cà Mau hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đột phá hơn trong thời gian tới. Ảnh: Cầu Ông Đốc tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) thông xe vào tháng 12/2023, đây là công trình trọng điểm trục Đông - Tây, tạo dấu ấn lớn trong phát triển kinh tế biển.

Năm 2023, Cà Mau hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đột phá hơn trong thời gian tới. Ảnh: Cầu Ông Đốc tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) thông xe vào tháng 12/2023, đây là công trình trọng điểm trục Đông - Tây, tạo dấu ấn lớn trong phát triển kinh tế biển.

Những thành tựu chung của tỉnh có sự đóng góp của các địa phương. Theo đó, có 5/9 địa phương thực hiện đạt và vượt 100% chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (trong đó, huyện Đầm Dơi vượt 14/17 chỉ tiêu, huyện Cái Nước vượt 7/12 chỉ tiêu); các địa phương còn lại thực hiện đạt và vượt trên 90% chỉ tiêu kế hoạch.

Các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Điển hình là các công trình trọng điểm: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc phía Đông, đoạn Hậu Giang - Cà Mau; tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cà Mau; các tuyến đường: Cà Mau - Đầm Dơi, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, U Minh - Khánh Hội; tuyến trục Đông - Tây, cầu Gành Hào và cầu Sông Đốc; các công trình hạ tầng y tế, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh... Bên cạnh đó, đẩy mạnh đồng bộ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế

Chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị cần hành động quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ, hiệu quả, bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đi vào trọng tâm, trọng điểm và có trách nhiệm giải quyết dứt điểm, chất lượng.

Chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị cần hành động quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ, hiệu quả, bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đi vào trọng tâm, trọng điểm và có trách nhiệm giải quyết dứt điểm, chất lượng.

Phân tích kỹ, đánh giá sâu những mặt còn tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là về thị trường, nguồn vốn, tiếp cận tín dụng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm, thu hút đầu tư chưa đạt yêu cầu. Kim ngạch xuất khẩu đạt thấp so kế hoạch, giảm 8,5% so cùng kỳ, các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống giảm. Kinh tế hợp tác chưa chuyển biến nhiều; chậm nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương; kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, trường học, lớp học chưa đáp ứng; công tác tuyển sinh, đào tạo nghề còn gặp khó khăn; công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững.

Công tác chuyển đổi số của tỉnh vẫn chưa đi vào chiều sâu, một số nội dung, dự án chậm tiến độ so với thời gian quy định, nhất là phát triển nền tảng hạ tầng kỹ thuật. Các mô hình khoa học công nghệ hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống được triển khai nhân rộng còn chậm, chưa tập trung.

Công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng, công tác tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng một số nội dung chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là việc tổng hợp đánh giá trong báo cáo kết quả thực hiện. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị còn chậm.

“Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị từng lúc chưa chủ động trong giải quyết công việc; công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc thực thi công vụ còn chưa nghiêm; chưa bao quát hết công việc của cơ quan, đơn vị mình; giải quyết công việc chưa thật sự khoa học”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tham gia thảo luận tại hội trường, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, xây dựng nông thôn mới…

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tham gia thảo luận tại hội trường, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, xây dựng nông thôn mới…

Chương trình hành động với 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Quán triệt chủ đề điều hành của Chính phủ năm 2024: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, bên cạnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc mang tính đột phá, chiến lược, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa và đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Trên cơ sở xác định năm 2024 là năm bứt phá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh, UBND tỉnh xác định 6 nội trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, đồng thời ban hành chương trình hành động giao nhiệm vụ cụ thể đến từng sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện với hành động quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ, hiệu quả, bền vững theo 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm./.

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/kinh-te-xa-hoi-ca-mau-2023-phat-trien-kha-toan-dien-a30823.html