Kinh tế Xây dựng - Giao thông Đích đến... là niềm vui
TTH - Thời điểm chuẩn bị bước sang năm 2023, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn kết nối 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã khánh thành đưa vào sử dụng. Đây là con đường không chỉ mang nhiều dấu ấn, tạo tiền đề mở ra nhiều cơ hội đầu tư phát triển liên vùng mà còn mang nhiều cảm xúc kể từ ngày khởi công.
Cung đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn TX. Hương Trà. Ảnh: Duy Minh
Sáng 31/12/2022, tại xã Hương Thọ, TP. Huế diễn ra lễ khánh thành cao tốc Cam Lộ - La Sơn trong không khí hân hoan của lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương lẫn người dân trong vùng.
Hôm ấy tiết trời trầm mặc bởi Huế đang trong chuỗi ngày miền Trung mưa dầm, giá rét, nhưng chúng tôi cảm nhận trên gương mặt những người trong cuộc đong đầy nhiều cảm xúc. Cảm xúc bởi trong số họ như thầm nghĩ đã hoàn thành trọng trách, khi được giao nhiệm vụ tại lễ khởi công diễn ra vào tháng 9/2019 tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thời điểm này, Thủ tướng Chính Phủ là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc về dự, nhắn nhủ chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền địa phương phải làm tốt chức trách của mình để tuyến cao tốc này thành tuyến kiểu mẫu cho các DA khác nhìn theo.
Sau lễ khởi công, BQL DA đường Hồ Chí Minh đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tuân thủ pháp luật trong tất cả các khâu từ công tác khảo sát thiết kế, lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công...
Không riêng tôi mà nhiều người đồng hành với cao tốc Cam Lộ - La Sơn thừa nhận, khó khăn lớn nhất mà DA gặp phải là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Chỉ ước tính trên tuyến đoạn qua Thừa Thiên Huế đã có hơn 150 hộ dân bị ảnh hưởng nhà cửa, tài sản trên đất với giá trị bồi thường là 320 tỷ đồng, trong đó gồm bồi thường đất đai, nhà cửa, xây dựng khu tái định (TĐC), di dời ổn định đời sống kinh tế người dân... Dẫu chính quyền sở tại đã quán triệt tích cực trong khâu này từ ban đầu nhưng không ngờ nơi này, vùng kia lại nhùng nhằng, kéo dài thời gian về đơn giá bồi thường, việc cấp đất TĐC... khiến việc GPMB chậm trễ và nhiều lần phải thi công theo phương châm "xôi đỗ" ở xã này, phường kia. Vì lẽ đó, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phải về cơ sở đối thoại giải quyết hài hòa.
Khó khăn về GPMB chưa hết trong thi công, DA lại gặp thách thức khi dịch COVID-19 bùng phát và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bão lũ dồn dập ở Huế vào năm 2020 rồi đến 2021, 2022; có thời điểm máy móc, trang thiết bị, nhà thầu dừng mấy tháng liền. Ảnh hưởng từ yếu tố khách quan rồi đến chủ quan, như giá cả nguyên, nhiên, vật liệu có thời điểm tăng đột biến, khan hiếm cũng làm chậm tiến độ của DA... Đơn cử vào thời điểm cuối năm 2021, các gói thầu xây lắp 5, 6, 7 qua địa bàn Phong Điền mặc dù các nhà thầu đã lường tính điều phối đất san nền giữa các gói thầu nhưng vẫn thiếu gần 1 triệu m3. Để đảm bảo nguồn cung vật liệu đất đắp phục vụ thi công, BQL DA đường Hồ Chí Minh đề xuất UBND tỉnh, các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ, cho đấu thầu thêm các mỏ, tăng công suất mỏ phục vụ đất san lấp cho các gói thầu trên...
Ông Tạ Gia Minh Hưng, Trưởng phòng DA2, Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh (phụ trách gói thầu 5, 6 và 7 thuộc DA cao tốc Cam Lộ - La Sơn) chia sẻ, chưa có DA nào mà lãnh đạo Quốc hội, Bộ GTVT và chính quyền địa phương quan tâm thường xuyên trực tiếp, gián tiếp yêu cầu BQL DA đường Hồ Chí Minh và các nhà thi công phải thay đổi tư duy cách làm, bố trí làm việc một cách khoa học, có kế hoạch cụ thể như cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Những ngày hè oi nóng ở miền Trung hay dịp lễ tết, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ lại có mặt thị sát trên các công trường DA cao tốc này để chỉ đạo từng khâu, từng hạng mục, lưu ý với chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công đảm bảo chất lượng cũng như tính ổn định, bền vững. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã khẳng định, đây là DA trọng điểm, mẫu mực quốc gia nên bất cứ một công việc, một hạng mục nhỏ nhất cũng không để sai sót xảy ra.
Hôm lễ khánh thành, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc BQL DA đường Hồ Chí Minh chia sẻ đầy cảm xúc, vì trọng trách Chính phủ, bộ, ngành giao, đơn vị đã quyết tâm cao, nỗ lực để DA hoàn thành theo đúng hồ sơ thiết kế được thẩm định, phê duyệt đúng quy định; hồ sơ hoàn thành công trình đầy đủ và đã tổ chức nghiệm thu công trình, đảm bảo công trình đủ điều kiện khai thác và đáp ứng quy định của pháp luật chuyên ngành.
Cũng dịp này, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn là DA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả nước cũng như 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác là một trong những cung đường đẹp, kết nối liên thông các tỉnh miền Trung, đi qua vùng có nhiều quần thể di tích, danh lam, thắng cảnh; mở ra tuyến giao thông huyết mạch mới - song hành, giảm tải cho các trục giao thông bắc - nam...
Còn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu đầy cảm xúc thay lời cảm ơn, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành đúng tiến độ, đúng thời điểm và đảm bảo chất lượng, thể hiện sự quyết tâm cao của các đơn vị ngành giao thông và sự hỗ trợ không nhỏ của địa phương nơi DA đi qua. Tuyến cao tốc này là DA mang nhiều dấu ấn mới, không chỉ mở ra nhiều cơ hội đầu tư phát triển ở 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị mà còn tạo trục động lực xuyên miền Trung, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài gần 100km thuộc DA cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020. Trong đó đoạn qua địa bàn Thừa Thiên Huế gần 62km, Quảng Trị hơn 37km với vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, gồm 11 gói thầu xây lắp bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và do Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.
Bài, ảnh: Văn MINH
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dich-den-la-niem-vui-a122357.html