Kinh tế Xây dựng - Giao thông 'Huyết mạch' vùng đông đã mở

TTH - Đường tây phá Tam Giang - Cầu Hai, nằm trùng với Tỉnh lộ 10A (TL10A) dài hơn 12km vừa được khởi công mở rộng. Công trình kỳ vọng mở cơ hội thúc đẩy phát triển liên vùng phía đông nam TP. Huế.

Phương tiện cần cẩu đang tập kết để triển khai thi công cầu Long thuộc xã Phú Mỹ - công trình nằm trên tuyến TL10A

Phương tiện cần cẩu đang tập kết để triển khai thi công cầu Long thuộc xã Phú Mỹ - công trình nằm trên tuyến TL10A

Không còn ám ảnh

Những chiếc cần cẩu tập kết vận liệu, nhiều tuyến đường công vụ chở vật liệu ra vào thi công cầu Long và điểm đầu công trình tại xã Phú Mỹ (Phú Vang) rộn ràng, không chỉ làm cho người dân địa phương vui mừng.

Anh Lê Văn An (thôn An Lưu, xã Phú Mỹ) chia sẻ, khi nghe TL10A nâng cấp mở rộng, lòng anh vui như mở cờ. Đi đâu, ngồi ở đâu anh An đều đem thông tin mở đường trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp. Với anh An, đó là nỗi khát khao mong chờ mà không riêng cá nhân anh, bởi không lâu nữa sẽ xóa cảnh nắng bụi mưa lầy, mất an toàn giao thông trên tuyến hơn 10 năm nay.

Những ai từng qua lại trên TL10A đều ngán ngẩm vì sự xuống cấp dày đặc ổ gà, ổ voi. Hàng ngày, lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến này rất đông, vì đây “huyết mạch” nối TP. Huế về Phú Vang. Do chịu quá tải lượng phương tiện lớn, cùng mặt đường thấp và nhỏ hẹp nên càng nhanh xuống cấp hư hỏng. Không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy trên tuyến này.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Xây dựng công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư công trình) thông tin, sau nhiều năm lỡ hẹn đến cuối năm 2021, TL10A chính thức khởi công nâng cấp mở rộng. Quy mô của công trình đường dài hơn 12km, mặt đường rộng 7m (cùng lề 2 bên, mỗi bên rộng 1m) với điểm đầu giao với đường Thủy Dương - Thuận An (TP. Huế) và điểm cuối tuyến giao TL10B (Phú Vang). Trên công trình tuyến xây dựng cầu Long có quy mô vĩnh cửu, chiều dài gần 35m; cùng với một số cầu nhỏ, như Vinh Vệ, An Lưu 1, An Lưu 2, Lộc Sơn và hệ thống cống, mương thoát nước... Công trình xây dựng theo quy mô đường bộ cấp III, kinh phí thực hiện hơn 105 tỷ đồng; trong đó vốn xây dựng hơn 70 tỷ đồng.

“Công trình được đầu tư mở rộng nhờ sự quan tâm bằng nguồn vốn của tỉnh và Trung ương, do 4 đơn vị thi công là Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế - Công ty CP Đường bộ 1 Thừa Thiên Huế và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Dịch vụ thương mại Quang Thành thi công. Dự kiến, công trình hoàn thành vào cuối năm 2023” - ông Cường cho biết thêm.

Phối hợp, đảm bảo kế hoạch tiến độ

Ông Đỗ Công Khiêm, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân chia sẻ, tuyến TL l0A mở rộng đi qua xã Phú Xuân gần 5km hứa hẹn tháo các “nút thắt” là ước mơ bấy lâu của người dân địa phương. Trước hết, với tiềm năng địa phương thuần nông như Phú Xuân sẽ có nhiều cơ hội để chuyển mình, nhất là sản xuất chế biến hàng hóa nông - thủy hải sản được thông thương. Kỳ vọng hơn là tạo cú hích góp phần thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng, vùng nông thôn mới. Người dân hai bên tuyến sẽ đầu tư mở mang quán sá, nhà hàng, hoạt động kinh doanh trao đổi buôn bán hàng hóa sầm uất.

Người dân thôn Diên Đại (Phú Xuân) tháo dỡ hàng quán, vật dụng GPMB để TL10A được mở rộng

Người dân thôn Diên Đại (Phú Xuân) tháo dỡ hàng quán, vật dụng GPMB để TL10A được mở rộng

Với cơ hội trên, khi công trình mở ra xã Phú Xuân có hơn 210 hộ, cá nhân, tổ chức ảnh hưởng; trong đó thu hồi hơn 44 nghìn m2 nhưng hầu hết đều có tâm trạng phấn khởi, hưởng ứng tham gia công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khá nhanh. Hiện nay, xã Phú Xuân đã phối hợp kiểm kê chi trả hoàn tất các quán xá, tài sản trên đất mà tuyến đường đi qua; ngoài ra đã thống kê thu hồi các loại đất ảnh hưởng, chờ đơn vị chức năng thẩm định giá....

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang (đơn vị triển khai công tác GPMB công trình), khi triển khai mở rộng TL10A có hơn 481 hộ, cá nhân, tổ chức ở các xã Phú Mỹ, Phú Xuân, Phú Lương, Phú Hồ và thị trấn Phú Đa ảnh hưởng; trong đó trước mắt thu hồi gần 58 nghìn m2, với phương án phê duyệt dự toán chi trả khoảng 12 tỷ đồng. Hiện nay, công tác GPMB đang được đẩy nhanh tiến độ kiểm kê, thẩm định đất thu hồi cho người dân bị ảnh hưởng tại các địa phương.

Với ý nghĩa của công trình đi qua địa bàn, công tác GPMB được lãnh đạo và người dân các địa phương đồng tình ủng hộ, tuy nhiên vẫn có vài chục trường hợp chưa xác định nguồn gốc đất, chủ đất đi làm ăn xa nên mất nhiều thời gian. Trung tâm Phát triển quỹ đất Phú Vang đang nỗ lực phấn đấu đến cuối quý 1/2022 sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.

Ông Huỳnh Văn Đức, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang nhận định, TL10 mở ra là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh xây dựng giai đoạn 2021-2025. Khi công trình hoàn thành sẽ giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi; giải quyết xung đột giao thông trên tuyến và rút ngắn thời gian từ TP. Huế về Phú Vang. Đây là công trình tạo kết nối phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, đánh thức tiềm năng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, phát triển nông thôn mới của nhiều địa phương; trong đó khu công nghiệp ở trung tâm huyện Phú Vang đón thêm nhiều cơ hội mới.

Bài, ảnh: Minh Văn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/huyet-mach-vung-dong-da-mo-a108821.html