Kinh tế Xây dựng - Giao thông Nâng cấp đập Thảo Long để vận hành an toàn

TTH - Đập Thảo Long (Phú Thanh, TP. Huế) xuống cấp gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng chức năng ngăn mặn, giữ ngọt trên tuyến sông Hương, sông Bồ và đe dọa vận hành an toàn công trình.

Công trình đập Thảo Long sẽ được nâng cấp, vận hành an toàn

Công trình đập Thảo Long sẽ được nâng cấp, vận hành an toàn

Cấp thiết

Đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long là công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh. Được đưa vào sử dụng năm 2006 đến nay, đập đã xuất hiện nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt, công trình không được thiết kế cửa van dự phòng, do vậy trong trường hợp có sự cố hư hỏng cửa van xảy ra (không đóng hoặc mở cửa van được) sẽ gây ra hậu quả rất lớn.

Theo Công ty TNHH NN MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi), tại công trình đập Thảo Long các cửa van sử dụng vật liệu thép CT3, thiết bị thủy lực, thiết bị điện, điện tử lắp đặt ngoài trời, chịu nhiều tác động bất lợi của môi trường nhiễm mặn, độ ẩm, giông sét nên đã hư hỏng theo thời gian.

Cụ thể, lòng dẫn thượng, hạ lưu cống ngăn mặn bị bồi lắng với khối lượng lớn, bình quân hàng năm lên đến hàng ngàn m3, gây kẹt cửa và cản trở dòng chảy. Hàng năm, Công ty Thủy lợi đã tổ chức nạo vét một phần hạ lưu cống để xử lý kẹt cửa. Hai mố bên phía bờ bắc và nam của cống bị lún sụt (từ cao trình +1.2m xuống +0.8m).

Hầu hết các cửa cống có hiện tượng xói lở dưới cọc cự dầm đáy, đặc biệt tại cửa cống số 10, 13 và 15 bị xói lở bản đáy sâu từ 2-3m, dòng chảy xuyên qua rất lớn ảnh hưởng đến công tác ngăn mặn, giữ ngọt và về lâu dài làm mất ổn định công trình.

Phần tiếp giáp đường dẫn và mố cầu bị lún sụt, nứt gãy gây ảnh hưởng cho quá trình giao thông đi lại, mái bảo vệ mố phản áp phía bờ nam, bờ bắc bị lún sụt hư hỏng, Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình tỉnh đã tạm khắc phục. Phần điện chiếu sáng trên cầu giao thông đã xuống cấp hư hỏng, dây điện chạm chập, đèn cao áp mục rỉ chao chóa hư hỏng, nhiều cột đèn không sáng.

Ngoài ra, hiện nay hệ thống thủy lực đóng mở các cửa van đã xuống cấp hư hỏng, hầu hết các cửa đóng mở rất chậm (thời gian đóng hoặc mở có cửa lên đến 30 phút thay vì dưới 10 phút như những năm đầu đưa vào vận hành).

Một số cửa nhiều lúc không vận hành đóng mở được để điều tiết nguồn nước, buộc Công ty Thủy lợi phải xử lý tạm thời bằng cách tháo dỡ hệ thống thủy lực của cửa khác (sau khi đã vận hành điều tiết) để thay thế nên rất nguy hiểm mất an toàn. Hệ thống trạm nguồn, bơm thủy lực và các cụm van phân áp hư hỏng xuống cấp, bơm không đủ áp lực để đóng mở cửa…

Triển khai trong năm 2022

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty Thủy lợi khẳng định, với quy mô lớn, nhiệm vụ đập Thảo Long không chỉ ngăn mặn giữ ngọt, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh kinh tế trên địa bàn tỉnh mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái và cảnh quan du lịch ở sông Hương và vùng đầm phá Tam Giang.

Đặc biệt trong những năm gần đây, xảy ra sự cố môi trường biển Formosa Hà Tĩnh, sự biến đổi khí hậu diễn ra gây gắt, mực nước biển dâng, tình trạng hạn hán thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên thì công trình ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long đảm bảo nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Từ năm 2015, Công ty Thủy lợi đã có Báo cáo số 859/BC-CTTL về hiện trạng và kế hoạch sửa chữa công trình, trình các cấp có thẩm quyền và được sự quan tâm của UBND tỉnh. Năm 2016 HĐND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư dự án sửa chữa đập Thảo Long. Tuy nhiên do ngân sách hạn chế, việc đầu tư nguồn vốn cho công tác duy tu sửa chữa nhằm chống xuống cấp, đảm bảo công trình vận hành ổn định lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ là cần thiết hiện nay.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án (DA) sửa chữa đập Thảo Long với nhiều hạng mục được nâng cấp, xây mới. Đây là DA thành phần thuộc DA sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn hồ, đập chứa nước với 38 DA, có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng triển khai ở các tỉnh.

Riêng đối DA nâng cấp đập Thảo Long với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 (Bộ NN&PTNT) làm đại diện chủ đầu tư ở Thừa Thiên Huế.

Theo đó, DA bao gồm các hạng mục xử lý chống thấm phía thượng lưu từ khoang số 8 đến khoang số 10, gia cố lòng dẫn hạ lưu cống nhằm đảm bảo an toàn. Xây dựng và lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc. Xây dựng hệ thống điện điều khiểm mới với thiết bị và công nghệ hiện đại. Sửa chữa nâng cấp nhà quản lý, hệ thống điện vận hành và điện chiếu sáng khu quản lý công trình. Ngoài ra, sẽ thay mới 1 cửa van khoang đập clape, cửa van âu thuyền và thiết bị đóng mở.

Ông Nguyễn Đình Giáng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 thông tin, hiện DA đang tiến hành khảo sát thiết kế, tổ chức đấu thầu. Dự kiến sẽ khởi công trong năm 2022. Công trình được đầu tư nâng cấp sửa chữa với nhiệm vụ đảm bảo vận hành an toàn, phát huy được nhiệm vụ thiết kế cũng như nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao và thuận tiện cho công tác quản lý vận hành, nâng cao khả năng ứng cứu công trình khi có tình huống khẩn cấp.

UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Phú Xuân (Phú Vang) với quy mô diện tích khoảng 200ha, phục vụ cho khoảng 380 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng mức đầu tư dự kiến 120 tỷ đồng. Đồng thời, khắc phục, sửa chữa các công trình bị thiệt hại do thiên tai, với tổng kinh phí khoảng 2.094 tỷ đồng; trong đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp kinh phí năm 2022 khoảng 300 tỷ đồng để xử lý 5,3km kè chống sạt lở bờ biển.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nang-cap-dap-thao-long-de-van-hanh-an-toan-a110374.html