Kinh tế Xây dựng - Giao thông Thị trường bất động sản: Thực - ảo lẫn lộn - Bài 2: Đất nền vẫn ở giá trị thực
TTH - Thị trường BĐS đất nền ở TP. Huế và các khu vực vùng ven gần đây tăng giá, nhưng chưa đến mức 'ảo'.
Chưa “vượt ngưỡng”
Nhân viên một sàn giao dịch BĐS TP. Huế chia sẻ, do ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài, nhiều nhà đầu tư và “đại gia” không biết đầu tư đồng tiền theo kênh nào. Mới đây dịch tạm lắng, BĐS, trong đó, đất nền là một trong những kênh nhà đầu tư muốn gửi gắm để chờ thanh khoản tốt. Điều này làm cho thị trường đất có sự điều chỉnh giá mới so với trước đây, nhưng mức tăng không đột biến.
Đánh giá của Sở Xây dựng, đây không hẳn là đầu tư ồ ạt, đầu tư thiếu hiểu biết. Nếu so sánh giá đất ở Thừa Thiên Huế hiện nay so với mặt bằng chung với các tỉnh, thành phát triển là còn quá rẻ, không khó để sở hữu hoặc đầu tư sinh lãi. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường BĐS ở Thừa Thiên Huế đang trong giai đoạn bất ổn, “bong bóng”, giá ảo... là chưa có căn cứ. Giá đất có tăng nhưng vẫn ở mức phù hợp, tương xứng giá trị với từng vị trí sản phẩm BĐS.
Anh bạn có thâm niên kinh doanh BĐS nhìn nhận, quỹ đất ở địa phương còn nhiều, nhu cầu người mua làm nhà để ở không cao, bởi tỷ lệ di dân cơ học chưa thể so sánh với các thành phố lớn. Minh chứng rõ nhất là nhiều khu đô thị được hình thành từ những giai đoạn đầu, tại các vị trí đắc địa ở vùng đô thị (sau 5-10 năm), số lô đất bỏ trống vẫn còn nhiều. Thừa Thiên Huế đang tăng tốc xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đất sẽ thiết lập mặt bằng giá mới không có gì là lạ. Anh đơn cử như đất xen ghép nằm trong khu dân cư tại phường Hương Hồ trước đây thuộc địa bàn TX. Hương Trà chỉ tầm 2-3 triệu đồng/m2 nhưng khi sáp nhập vào địa giới TP. Huế, giá đất ở đây tăng lên 10-12 triệu đồng/m2. Có những vị trí đất nằm ở mặt tiền đường Chầm (trước đây thuộc thôn Chầm) giờ lên mức 13- 15 triệu đồng/m2. Tương tự như đất quy hoạch phân lô tại Tân Mỹ, thị trấn Thuận An (trước đây thuộc Phú Vang) tầm 3 năm trước giá chỉ 7-8 triệu đồng/m2, nay địa bàn này thuộc TP. Huế, giá tăng gần gấp 3 lần. Sở dĩ giá đất những khu vực này tăng là nhờ đã khoác lên mình thương hiệu “đất thành phố”, đường sá thông thoáng, có cơ hội kinh doanh buôn bán sinh lời...
Mặt bằng chung cho nhu cầu thực
Theo dự báo của ngành xây dựng, hiện tại thị trường BĐS Thừa Thiên Huế rất khó gây sốt. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế đang đứng trước nhiều cơ hội mới, với nhiều công trình, dự án (DA) trọng điểm quốc gia tiếp tục đầu tư xây dựng sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư lớn từ các tỉnh, thành có tầm nhìn dài hạn sẽ thu tóm nhiều quỹ đất làm cho thị trường BĐS địa phương tăng giá. Khi thị trường BĐS tăng giá, tạo sốt, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết, người có nhu cầu thực khó tiếp cận, nền kinh tế ở địa phương sẽ trầm lắng, chênh lệch giàu nghèo...
Nắm bắt thị trường BĐS địa phương sẽ biến động, gần đây, tỉnh có nhiều giải pháp, trong đó chỉ đạo sở, ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, như tập trung tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các DA BĐS, DA nhà ở thương mại giá phù hợp; tổ chức giao đất, lựa chọn chủ đầu tư uy tín, tiềm lực thực hiện các DA đúng quy định; công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các DA cơ sở hạ tầng, các DA BĐS, nhất là các DA lớn để minh bạch thông tin, ngăn hiện tượng đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi...
Bên cạnh công tác quản lý của cơ quan Nhà nước, các chuyên gia cũng khuyên, người mua phải cẩn trọng để không “bể bong bóng” BĐS như ở TP. Đà Nẵng hay tỉnh Quảng Trị mới đây mắc phải. Đó là quan sát thị trường trên diện rộng để nắm diễn biến từng thời điểm. Cần tiến hành thẩm định giá bằng nhiều phương pháp trước khi quyết định giao dịch, cụ thể là so sánh các hoạt động mua bán gần nhất, đối chiếu vị trí, khoảng cách di chuyển, mật độ dân số, tiện ích xung quanh và giá trị khai thác để tránh đưa ra quyết định thiếu chính xác...
Anh bạn có thâm niên kinh doanh BĐS cũng khuyên rằng, người mua cũng nên sáng suốt, cân đối dòng tiền, chỉ dùng tiền nhàn rỗi, dài hạn để mua BĐS, không nên đi vay khi thị trường sốt ảo nhằm tránh rủi ro.
Đáng quan tâm hơn khi mới đây, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng siết chặt cho vay đầu tư lĩnh vực BĐS. Bởi lẽ thời gian qua, phần lớn tổ chức cá nhân, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy là vốn vay ngân hàng để thực hiện nhiều DA BĐS tiềm ẩn nhiều rủi ro cao cho thị trường...