Kinh tế Xây dựng - Giao thông Tối ưu & bền vững

TTH - Biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt khiến sạt lở bờ biển ngày càng trầm trọng, đe dọa hàng ngàn hộ dân sinh sống ven biển.

Sóng biển tràn vào vùng sản xuất ở Giang Hải

Sóng biển tràn vào vùng sản xuất ở Giang Hải

Sạt lở lấn sâu

Tại khu vực bờ biển thôn 4 và thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải (Phú Lộc) bị sạt lở với chiều dài khoảng 1.400 mét. Nhiều cây phi lao hàng chục năm tuổi bị sóng đánh trơ gốc, cuốn trôi ra biển. Xâm thực lấn sâu vào đất liền gây hư hỏng một số công trình dân sinh như đường bê tông, trụ điện đổ ngã. Nước biển tràn vào cuốn theo một lượng cát bồi lấp đồng ruộng khiến người dân gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Tân ở thôn Mỹ Cảnh chia sẻ, cứ đến mùa mưa bão, người dân lại nơm nớp âu lo nước biển tràn vào, bờ biển bị sạt lở đe dọa đến tính mạng, ruộng vườn. Những đoạn đã được xây kè kiên cố thì an toàn, còn lại đều có nguy cơ sạt lở. Cơn bão số 4 mới đây làm sạt lở nhiều điểm, có nơi biển xâm thực sâu đến gần 15 mét. “Sạt lở bờ biển nếu còn tiếp tục kéo dài, tái diễn sẽ gây mất an toàn tính mạng, nhà cửa, công trình dân sinh và vườn tược của người dân”, ông Tân lo lắng.

Sạt lở bờ biển gây hư hỏng các công trình

Sạt lở bờ biển gây hư hỏng các công trình

Ảnh hưởng cơn bão số 4 mới đây, biển động mạnh, sóng dâng cao tràn vào đất liền gây sạt lở bờ biển khá nghiêm trọng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Khu vực bờ biển thôn Thai Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương (TP. Huế) từng bị sạt lở nhiều năm trước, nay tiếp tục sạt lở với chiều dài hơn 100m và đoạn tiếp giáp gần chân kè giao thông phía bắc bị sạt lở với chiều dài 150m, sâu từ 3-5m. Bờ biển khu vực thôn Phương Diên, xã Phú Diên (Phú Vang) sạt lở chiều dài 150m, sâu từ khoảng 2-3m…

Chủ tịch UBND xã Giang Hải, ông Nguyễn Hữu lo ngại, trên địa bàn còn 1,5km bờ biển thường bị xâm thực, nếu không xây kè kiên cố sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của Nhân dân. Riêng cơn bão số 4 mới đây gây sạt lở bờ biển khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và 140ha đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Một số hộ dân cần được tái định cư đến nơi an toàn, nhưng giải pháp bền vững vẫn là xây dựng kè kiên cố, bảo vệ an toàn khu dân cư, vùng sản xuất của người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền), ông Nguyễn Viết Tưởng thông tin, bờ biển tại địa phương một thời từng bị sạt lở khá nặng và ngưng từ nhiều năm nay. Cơn bão số 4 mới đây, tình trạng sạt lở bờ biển lại tái diễn, đe dọa đến khu dân cư và các công trình dân sinh, rừng phi lao phòng hộ có nguy cơ bị sóng đánh, cuốn trôi. Một số khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng mặc dù cách khá xa bờ biển nhưng có nguy cơ đe dọa trước tình trạng sạt lở, sóng biển lớn tràn vào.

Theo dõi và bảo vệ tính mạng Nhân dân

Thống kê từ cơ quan chức năng và các địa phương, trên địa bàn tỉnh có hơn 4.000 hộ dân ven biển bị ảnh hưởng trước tình trạng sạt lở bờ biển. Trong đó có khoảng 600 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, đe dọa đến tính mạng, nhà cửa cần tái định cư. Tuy nhiên, theo các ban ngành, chính quyền địa phương thì giải pháp bền vững, tối ưu nhất là xây dựng các công trình kiên cố phòng, chống sạt lở bờ biển, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản Nhân dân.

Từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình kè kiên cố chống sạt lở bờ biển như Phú Thuận, Quảng Công, Giang Hải, Hải Dương… dài khoảng 6,5km với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Đặng Văn Hòa đánh giá, hầu hết các công trình đảm bảo kỹ thuật, chất lượng và đều phát huy tác dụng. Thực tế qua các mùa mưa bão, mới nhất là bão số 4, các công trình bảo vệ an toàn khu dân cư, vùng sản xuất, các công trình tại các địa phương.

Vào giữa năm nay, tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải (Phú Vang) với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng. Các địa phương, ban ngành đang tiếp tục rà soát, xây dựng và đề xuất phương án đầu tư xây dựng kè kiên cố phòng, chống sạt lở bờ biển tại các khu vực thường bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Trước mắt, các địa phương, ban ngành có kế hoạch, thường xuyên theo dõi tình trạng sạt lở bờ biển, có phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn khi cần thiết. Cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư, nhân lực chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo gia cố tạm thời nhằm hạn chế tối đa xâm thực khi có sự cố sạt lở bờ biển nghiêm trọng; ngăn chặn nguy cơ mở cửa biển mới tại một số địa phương ven biển, không để đe dọa đến tính mạng, nhà cửa, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, toàn tỉnh hiện có 30km bờ biển bị sạt lở, bình quân mỗi năm lấn sâu vào từ 2-5m, có nơi đến 7-15m. Trong đó, có 12km bờ biển bị sạt lở nặng cần phải đầu tư xây kè kiên cố khẩn cấp nhằm bảo vệ an toàn khu dân cư, vùng sản xuất và các công trình hạ tầng. Những điểm sạt lở nặng tập trung tại các xã Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang), Phong Hải, Điền Hòa (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Giang Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc), Hải Dương (TP. Huế).

Bài, ảnh: TRIỀU VI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/toi-uu-ben-vung-a118481.html