Kinh tế Xây dựng - Giao thông Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

TTH - Cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật (HTKT) Cụm công nghiệp An Hòa để thu hút đầu tư, năm 2023 TP. Huế triển khai thực hiện chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trên địa bàn nhằm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là 13 xã, phường mới.

Hạ tầng đường Hai Bà Trưng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: D. Trương

Với mục tiêu xây dựng TP. Huế trở thành hạt nhân của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường, là đô thị thông minh (ĐTTM) của tỉnh, năm 2023 thành phố tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển ĐTTM, bền vững, đô thị xanh, là động lực cùng với tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đô thị đặc thù.

Theo đó, TP. Huế tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế - xã hội.

Về quy hoạch (QH) và phát triển đô thị, thành phố sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai thực hiện các QH, kế hoạch, đề án trọng tâm của tỉnh như QH tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm 2050; QH chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045 và tầm nhìn đến 2065; đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các đồ án QH phân khu trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các phường, xã mới sáp nhập; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án (DA) nâng cấp đô thị Huế, DA trọng điểm, chỉnh trang đô thị của tỉnh, thành phố, đặc biệt là các DA di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế hoàn thành trong năm 2023; DA Cải thiện môi trường nước thành phố, các DA chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương…

Nhiệm vụ trọng tâm nữa đó là thực hiện DA nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu, các DA chỉnh trang đô thị, đầu tư kết nối hạ tầng với khu vực TP. Huế mở rộng; rà soát các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp phường để thực hiện các DA đầu tư nâng cấp hạ tầng cho các xã để đủ điều kiện thành lập phường.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ theo hướng hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông đô thị, kết nối liên vùng, có tính động lực, lan tỏa và tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; xây dựng các đề án, kế hoạch về khai thác các cơ sở nhà đất trên địa bàn, kế hoạch xúc tiến thu hút nguồn lực đầu tư, thành lập Trung tâm Quản lý và Khai thác HTKT đô thị Huế; hoàn thành chương trình phát triển đô thị TP. Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, tăng cường quản lý nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý tổ chức giao thông, điểm đỗ xe các tuyến đường nội thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đồng thời quản lý HTKT đô thị, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, cây xanh đảm bảo tiêu chí đô thị loại 1. Tiếp tục bảo tồn, tu bổ, phục hồi các công trình văn hóa, nhà vườn, nhà rường; bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh; giữ gìn, nâng cao giá trị di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa, di tích lịch sử.

Minh Thư

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/xay-du-ng-ke-t-ca-u-ha-ta-ng-do-ng-bo-hie-n-da-i-a123230.html